Khám phá mẹ, khám phá quê hương

"Đôi khi chúng ta biết rất ít về những người ta thân thiết" - Nhà xuất bản Ankama "mở lời" về Sống, bộ truyện ra mắt tại Pháp, bởi nhà xuất bản Pháp, nhưng lại gây ấn tượng mạnh mẽ với trang bìa đậm chất Việt Nam. Giải thích về điều này, cô gái sinh năm 1993 Trần Hải Anh bộc bạch: "Còn sống" là từ tôi nhớ ngay đến, mỗi khi hình dung về các chuyến phiêu lưu của mẹ. Tôi cũng muốn tác phẩm đầu tay của mình mang tựa tiếng Việt, bởi đó là ngôn ngữ kết nối tôi và mẹ, và với cội nguồn đất nước!".
0:00 / 0:00
0:00
Hải Anh (ở giữa) giao lưu với độc giả tại liên hoan truyện tranh. Ảnh: NVCC
Hải Anh (ở giữa) giao lưu với độc giả tại liên hoan truyện tranh. Ảnh: NVCC

Từ vết rạn đến chất keo gắn kết

Nội dung của cuốn sách được nhà xuất bản Ankama giới thiệu vắn tắt: "Một người mẹ kể cho con gái nghe chuyện thời thanh xuân của chính mình, trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Từ năm 1969 đến 1975, bà Linh - hiện là đạo diễn - đã trải qua bảy năm sống cùng các chiến sĩ cách mạng cộng sản, những người đã dẫn đường cho bà đến với kháng chiến, rồi hướng bà đến với điện ảnh".

Sống là cuốn sách bán chạy nhất trong số tám tác phẩm được Nhà xuất bản Ankama lựa chọn mang đến tham dự Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 50 (diễn ra từ ngày 26-29/1/2023) liên hoan truyện tranh lớn nhất thế giới.

Cha và mẹ của Hải Anh gặp gỡ và "bén duyên" nhau tại một liên hoan phim khi họ đều đã ngoại tứ tuần, để rồi nữ đạo diễn Việt Linh - một cái tên "lừng lẫy" của điện ảnh Việt Nam, theo chồng xuất ngoại (năm 1991). Theo một cách nào đó, cũng không sai khi nói Hải Anh "được sinh ra nhờ điện ảnh". Song, với loại hình nghệ thuật thứ bảy này, nữ tác giả 9X thổ lộ rằng "có lẽ là mình vừa yêu, vừa ghét". Là vì, ít ai biết, cũng chính niềm đam mê sáng tác của người mẹ lại khiến mối quan hệ của hai mẹ con xuất hiện những vết rạn.

Hải Anh sinh ra và lớn lên tại Paris. Như bao gia đình khác, khoảng cách thế hệ và cả khác biệt văn hóa khiến mối quan hệ giữa Hải Anh và mẹ Linh trở nên phức tạp. Trên chặng đường trưởng thành, Hải Anh vẫn luôn băn khoăn về nguồn gốc, thậm chí đôi khi cảm thấy mình "mắc kẹt" giữa bản sắc của hai quốc gia, hai nền văn hóa. Đương nhiên, cô cũng không ngừng đặt câu hỏi về những hành trình mẹ đã đi qua. Thế rồi, Hải Anh ngày càng có nhiều chuyến bay, theo mẹ đi đi về về giữa Paris và TP Hồ Chí Minh. Cuối cùng, đến năm 2020, Hải Anh chính thức trở về quê hương, làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản.

"Cha tôi là giảng viên đại học. Từ khi tôi còn rất nhỏ, ông đã kể tôi nghe rất nhiều về Việt Nam, như những bài học lịch sử. Do đó, ngay cả khi tôi không học được mấy về quê hương tại trường lớp, thì vẫn còn những kiến thức mà cha truyền đạt. Tôi không thích xem phim chiến tranh, nhưng vấn đề này lại trở nên khác hẳn khi tôi nghe mẹ kể chuyện ở bàn ăn. Cách mẹ kể không làm tôi sợ hãi. Và tôi thậm chí còn thấy an ủi khi được mẹ chia sẻ" - Hải Anh tâm sự.

Trong những khoảnh khắc vô giá đó, Hải Anh thấy mình như được khám phá mẹ, khám phá vùng đất quê hương, để nhận ra: Điều gắn kết hai mẹ con chính là niềm mong mỏi được tâm tình, được thấu hiểu.

Một cuốn sách, ba người phụ nữ

Sống (Vivre) được chia thành 14 chương, mỗi chương đều được đặt bằng tựa tiếng Việt, phụ ngữ tiếng Pháp, thí dụ như: "GẶP (rencontrer), TIẾC NUỐI (regretter), NẤU (cuisiner), CHIA TAY (se séparer), BỊ THƯƠNG (se blesser),… Cùng rất nhiều từ tiếng Việt trong chuyện, kể như: ba, mẹ, bà ngoại, ông ngoại, tên người, địa danh, món ăn…; ngôn ngữ Việt Nam với đầy đủ dấu trong Sống cứ lặp ngân duyên dáng. Cũng chính bởi điều này, họa sĩ Pauline Guitton phải kỳ công vẽ riêng phông chữ, thay vì sử dụng các phông có sẵn mà theo cô là quá… công nghiệp.

Hải Anh gặp Pauline khi cả hai mới mười tuổi. Cô bé Việt Nam từ ấy cứ mê mẩn và đi theo cô bạn người Pháp rong ruổi, vẽ vời. Còn Pauline thì không thể dứt ra khỏi những câu chuyện về một đất nước xa xôi, qua lời kể của mẹ Hải Anh.

"Mẹ tôi là một người kể chuyện bẩm sinh. Là đạo diễn, bà có cách mô tả các sự kiện rất "điện ảnh", cùng thói quen luôn rút ra kết luận. Tôi chắc chắn rằng bà cũng cho phép mình hư cấu đôi chút. Với tôi, điều quan tâm nhất là cách kể và cá nhân bà khi chia sẻ nó, dù bà thêm hay bỏ bớt phần nào. Tôi chép lại nguyên văn ngôn từ của mẹ, và tôi tin rằng nó gây ấn tượng. Nhưng, trong quá trình viết, thêm rào cản ngôn ngữ, tôi đã điều chỉnh câu chuyện theo cảm xúc của mình, một cách có ý thức lẫn cả vô thức. Sau đó, Pauline cũng tự diễn giải lại một lần nữa qua tranh vẽ. Trong mắt tôi, đây là điều làm cho Sống trở nên lý thú. Nó không chỉ là một cuốn tự truyện, mà là câu chuyện được kể bởi ba người" - Hải Anh đúc kết.

Sống thành công không chỉ vì câu chuyện liên quan chiến tranh ở Việt Nam, vốn có quá nhiều sách viết đủ hơn; không phải do chuyện nữ quyền, vốn có quá nhiều tác phẩm gay gắt hơn; cũng không phải bởi tính mỹ thuật - có quá nhiều sách đẹp hơn. Mà ở Sống, mối liên hệ giữa hai thế hệ (ở đây là hai mẹ con), hay nói đúng hơn tình mẫu tử, đã làm cuốn sách "chạm đến cảm xúc của tất cả mọi người" - giới phê bình nhận xét.

Đạo diễn Việt Linh, nguyên mẫu nhân vật chính trong Sống, sinh năm 1952 tại TP Hồ Chí Minh, là đạo diễn, biên kịch có tiếng. Sau bảy năm tham gia kháng chiến, bà được hãng phim Giải Phóng cử đi học và tốt nghiệp loại ưu Khoa Đạo diễn, Trường đại học Điện ảnh Liên bang Xô viết. Trở về Việt Nam, bà thực hiện nhiều dự án tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Hiện tại, ở tuổi ngoài 70, bất chấp sức khỏe suy giảm, bà vẫn không ngừng làm việc.