Khai thác tiềm năng xúc tiến thương mại

Đại diện các doanh nghiệp mong muốn nhận được hướng dẫn và hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại ở nước ngoài, giúp truyền thông rộng rãi hơn cho nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam. Đây là một trong những nội dung được đề xuất tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023, do Bộ Công thương tổ chức ngày 28/2.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị giao ban Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 2. Ảnh: VIETRADE
Hội nghị giao ban Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 2. Ảnh: VIETRADE

Chưa có thương hiệu lớn

Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ, ông Đặng Việt Phương cho biết, hiện tỉnh có hơn 800 cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nga và một số thị trường Đông Âu, song năm 2022 xuất khẩu chè đã gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được 20 vùng trồng chuối tập trung đã được cấp mã số vùng trồng. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, năm 2023, tỉnh Phú Thọ xác định mục tiêu xuất khẩu hai sản phẩm mũi nhọn là chè và chuối, đồng thời tìm một số thị trường mới như Bangladesh. Những nhiệm vụ này yêu cầu sự kết nối, hợp tác mạnh mẽ hơn giữa địa phương, các bộ, ban, ngành và cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Còn theo đại diện khối doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp của hiệp hội đã và đang xuất khẩu hướng tới các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về vùng nguyên liệu, năng lực chế biến, giá cả leo thang, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao. “Chúng ta sản xuất được nhiều loại nông sản phong phú, nhưng thực tế là cũng chưa có thương hiệu lớn mà thế giới phải tấm tắc, trầm trồ. Vì vậy, mong rằng Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên hiệp hội tham gia các hội chợ lớn ở nước ngoài, giúp quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm và truyền thông thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam”, bà Liên kiến nghị.

Đại diện AFT cũng đề xuất thương vụ chia sẻ quy định của nước sở tại về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, yêu cầu về bao bì… để hiệp hội phân tích, rút ra thông tin thị trường cho hội viên. Liên quan các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện trên thị trường Australia như tôm, cá tra, ba sa đã được sơ chế, chế biến được bán với số lượng lớn. Tuy nhiên, Australia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao bì sản phẩm chú trọng đến yếu tố môi trường, xuất xứ hàng hóa cũng phải được ghi rõ ràng và nổi bật trên bao bì sản phẩm.

Chinh phục những thị trường mới

Tại hội nghị, đại diện các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã cập nhật chính sách và đưa ra nhiều khuyến nghị, qua đó khẳng định có nhiều cơ hội cho thực phẩm chế biến của Việt Nam chinh phục những thị trường mới. Tuy nhiên, mỗi thị trường đều có những đặc trưng và yêu cầu riêng, đặt ra bài toán cho doanh nghiệp cần chú trọng để định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng xuất khẩu. Chẳng hạn, Malaysia là một quốc gia Hồi giáo nên yêu cầu chứng chỉ Halal với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, song quy trình này khá phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp. Ông Lê Phú Cường, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Malaysia coi các sản phẩm có chứng chỉ Halal là một tiêu chí quan trọng, là tiêu chuẩn đầu tiên họ đòi hỏi khi làm việc với đối tác xuất khẩu”.

Tương tự tại Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu để chinh phục thị trường thực phẩm chế biến và đồ uống có đường, nhóm rau củ quả chế biến…, song chứng nhận Halal luôn là yêu cầu đầu tiên đối với thị trường này. Còn theo ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Algeria: “Algeria đang thực hiện chính sách thay thế hàng nhập khẩu để bảo hộ hàng sản xuất trong nước, dự trữ ngoại tệ nên hạn chế nhập khẩu hàng hóa mà trong nước có thể sản xuất, chỉ cho phép nhập khẩu nguyên liệu và những mặt hàng thô sơ chưa sản xuất được. Tuy vậy, Algeria vẫn luôn có nhu cầu nhập khẩu cà-phê, các loại gia vị, hạt tiêu, quế, hạt điều...”.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại, với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến thực phẩm hiện nay còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Khai thác tiềm năng xúc tiến thương mại ảnh 1

Cục trưởng Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: VIETRADE

Nghiên cứu thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chữa lành

Tại hội nghị, các ý kiến đã gợi mở trong số những nhóm ngành có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thì ba nhóm là thực phẩm hữu cơ, thực phẩm ăn liền và thực phẩm chữa lành đang có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh rất lớn. Theo đó, thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành bán lẻ lớn đang được thúc đẩy phát triển do tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu gia tăng và xu hướng thành thị hóa diễn ra mạnh. Những thay đổi về cơ cấu gia đình và tác động của dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn nhóm các sản phẩm tiềm năng xuất khẩu như sữa, rau củ quả tươi, hải sản, trái cây tươi, các loại hạt, đồ uống tốt cho sức khỏe… Trong đó, để cạnh tranh, nhà xuất khẩu có thể chú trọng vào phân khúc sản phẩm có công năng tốt cho sức khỏe và giá cả đại trà để tránh cạnh tranh với hàng cao cấp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Ở Hàn Quốc, xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình đang lên cao do tình trạng già hóa dân số, khiến quy mô dòng sản phẩm này tăng rất nhanh. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thị trường này ước tính đạt mức gần 2,5 tỷ USD. Đặc trưng của người tiêu dùng Hàn Quốc là tìm những sản phẩm tốt cho sức khỏe, ngoài ra cũng không thể bỏ qua xu hướng về bảo vệ môi trường. Trước đây, việc thiết kế bao bì thường yêu cầu mầu mè, nhiều chi tiết, song hiện nay ở Hàn Quốc, các nhà sản xuất tung ra những sản phẩm theo hướng tối giản, thậm chí không cần nhãn mác.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng chia sẻ quan điểm chung về nhận định này. Ở Nhật Bản, mặt hàng của Việt Nam không cạnh tranh mà có tính chất bổ sung, tuy nhiên, người Nhật Bản đề cao sản phẩm trong nước, cũng như tính tiện dụng, an toàn với sản phẩm và đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc rất cao. Đây là những lưu ý quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp có ý định chinh phục các thị trường khó tính trong khu vực.

Hội nghị có chủ đề “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi”, do Bộ Công thương tổ chức định kỳ hằng tháng nhằm thông tin, trao đổi giữa các thương vụ ở nước ngoài với các đơn vị ở trong nước, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao các thông tin cập nhật chính sách và khuyến nghị thiết thực của hệ thống thương vụ, hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn về thị trường từ nay đến cuối năm.