Khách bay quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19 (ngày 15/3/2022), nhưng nếu so một số quốc gia trong khu vực, sau một năm “mở cửa bầu trời”, việc thu hút du khách đi lại bằng đường hàng không chưa đạt như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, ngành hàng không đặt mục tiêu đạt sản lượng khách quốc tế 34 triệu lượt.
Năm 2023, ngành hàng không đặt mục tiêu đạt sản lượng khách quốc tế 34 triệu lượt.

Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, phân tích những thách thức chính của du lịch Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Nhìn lại một năm mở cửa và rộng hơn là giai đoạn từ năm 2016 trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả đáng phấn khởi: khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt năm 2019; khách quốc tế tăng tương ứng từ

7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt. Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 103 triệu lượt khách nội địa. Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thách thức của ngành du lịch, phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử. Sau đại dịch, du lịch mở cửa sớm nhưng lượng khách quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (chỉ bằng 28% so năm 2019- thời điểm trước khi bùng phát dịch). Đến hai tháng đầu năm 2023, thị trường mới đạt 64% so năm 2019, thấp hơn nhiều so các khu vực như châu Âu, châu Mỹ. Điều này cho thấy tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ thời điểm 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đưa ra con số so sánh, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, được 73% kế hoạch. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore đạt 6,3 triệu; Thailand 11,8 triệu (trong khi kế hoạch chỉ 8 triệu); Malaysia 7,2 triệu lượt. “Chính sách visa ở Việt Nam chưa cạnh tranh so các nước trong khu vực khi thời gian miễn thị thực ngắn (15 ngày); nước ta mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, trong khi Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn 157 nước, Thailand 64 nước,... Các quốc gia trên hầu hết cho phép nhập cảnh ra vào nhiều lần, còn Việt Nam chỉ cho khách nhập cảnh một lần; các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu,…”, ông Trịnh Ngọc Thành đánh giá. Bên cạnh đó, một thực tế dễ nhận thấy là Việt Nam chưa đa dạng thị trường nguồn du lịch, phụ thuộc lớn vào các nguồn khách Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),… khi các thị trường này có vấn đề, Việt Nam ít có phương án thay thế.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng nhận định, dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thật sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng. Nguyên nhân được cho là các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng như

Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30% nhưng thị trường này hiện nay mới chỉ bắt đầu thí điểm mở cửa cho khách du lịch theo đoàn đến nước ta sau đúng một năm “mở cửa bầu trời”.

Việc Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đồng nghĩa với các đoàn du khách từ Trung Quốc sẽ sớm trở lại với các điểm đến du lịch tại Việt Nam. Là hãng hàng không khai thác nhiều đường bay kết nối Việt Nam - Trung Quốc, hãng hàng không Vietjet đã chuẩn bị tất cả các nguồn lực khai thác, thương mại,… sẵn sàng nối lại nhanh chóng các đường bay du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh các đường bay kết nối Việt Nam với Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu mà hãng đang khai thác, dự kiến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 hãng sẽ khai thác trở lại các đường bay đến với Thiên Tân, Trương Gia Giới, Thành Đô,... Vietjet dự kiến sẽ khôi phục thêm các đường bay khác ngay trước giai đoạn cao điểm hè để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, du khách. Với tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, Vietjet tin tưởng mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm nay của Việt Nam sẽ sớm đạt được, góp phần quan trọng phục hồi du lịch, kinh tế.

Khách bay quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng ảnh 1

Tuy mở cửa bầu trời sớm, song thu hút khách du lịch qua đường hàng không của Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.

Gỡ “nút thắt” visa

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề nhìn nhận, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi ngay từ khi dịch bệnh còn đang bùng phát mạnh (duy trì đội ngũ nhân sự, bảo dưỡng thiết bị và cơ sở hạ tầng,…). Nhờ vậy, dù gặp khó khăn do hậu quả của dịch bệnh như thiếu nhân lực, việc bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị sau thời gian dài ngừng hoạt động,… hết sức khó khăn, trong khi nhu cầu bằng đường hàng không thời điểm ban đầu sau mở cửa tăng đột biến, nhưng các hãng đã chủ động tiếp nhận và mở thêm các đường bay mới ở trong nước và quốc tế. Dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển. Khi thị phần bay quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn “chạy đà” trở lại để mau chóng phục hồi các đường bay quốc tế có dung lượng lớn.

Luôn bám sát các diễn biến mới nhất của thị trường để từng bước mở lại các đường bay kết nối Việt Nam với các nước, thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines cơ bản đã khôi phục mạng đường bay đến hầu hết các quốc gia và sắp tới nghiên cứu mở thêm các đường bay đến Ấn Độ. Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng ba năm, lượng hành khách tăng lên gấp hai lần, chứ không chỉ tăng mức độ trung bình 5-10%. Do vậy, hãng kiến nghị cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Năm nay, hàng không đặt mục tiêu đạt sản lượng khách quốc tế 34 triệu lượt, bằng khoảng 80% so với năm 2019, nhưng đạt được hay không phụ thuộc lớn vào việc tháo gỡ “nút thắt” visa. Còn GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng bày tỏ, triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm vừa qua và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại, góp phần củng cố niềm tin vào bức tranh sáng hơn của ngành hàng không-du lịch trong năm nay.

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên hơn 50%. Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. “Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, ngành công nghiệp không khói, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai. Trong giai đoạn mới, với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân,… ngành du lịch Việt Nam sẽ thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.