Hợp tác xã rau xanh của phụ nữ Bờ Biển Ngà

Mô hình hợp tác xã rau xanh của phụ nữ tại làng Fapaha, phía bắc Bờ Biển Ngà, giúp những người phụ nữ bảo đảm nguồn thu nhập mà không cần dựa vào khoản trợ cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Những người phụ nữ ở làng Katitika đang chăm sóc vườn rau hợp tác xã. Ảnh: AFRICAN NEWS
Những người phụ nữ ở làng Katitika đang chăm sóc vườn rau hợp tác xã. Ảnh: AFRICAN NEWS

Bà Mariam Sulue, Thư ký Hiệp hội Phụ nữ tại Fapaha, chia sẻ: “Trước đây khi chưa trồng hành, khi cần thứ gì đó tôi phải nhờ vả người khác giúp đỡ. Cảm giác thật khó khăn”. Dự án này đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP). WFP đã cung cấp cho hợp tác xã các công cụ nông nghiệp cũng như cách thức để đưa sản phẩm của họ vào bữa ăn tại căng-tin của trường học địa phương.

Bà Olivia Hantz, Trưởng đại diện WFP tại Bờ Biển Ngà cho biết: “Chúng tôi đang đồng hành và hỗ trợ một số nhóm nông nghiệp, chủ yếu là phụ nữ. Chúng tôi cung cấp cho họ phương tiện sản xuất thông qua việc cung cấp đầu vào nông nghiệp thiết yếu, cũng như những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật canh tác ”.

Theo African News, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, dự án nông nghiệp còn góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong đời sống làng xã. Họ đang từng bước đạt được vị trí quan trọng trong xã hội nông thôn, một nơi có tư tưởng nam giới là người nắm quyền. Nhà phân tích kinh tế Jean-Marie Biada khẳng định: “Những người phụ nữ làm việc trong vườn rau hợp tác xã đã giữ riêng cho mình một vị trí trong hệ thống phân cấp của làng”. Trong hai năm hợp tác với căng-tin trường học địa phương (2022-2023), hợp tác xã đã đạt được năng suất đáng kể với 25 tấn rau trên diện tích 40 ha và 10 tấn đậu các loại trên diện tích 18 ha.

Một nghiên cứu do Anh tài trợ ở Bờ Biển Ngà vào năm 2020 cho thấy, 42,9% phụ nữ ở quốc gia này tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ này cao hơn nhiều so bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tuy nhiên, những người phụ nữ ở đây lại chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn hơn trong lĩnh vực nông nghiệp do các hủ tục lạc hậu liên quan quyền sở hữu đất đai, bởi quyền này thường ưu ái cho nam giới hơn.

Những thay đổi tích cực đang diễn ra tại làng Fapaha cho thấy tiềm năng và sức mạnh của phụ nữ nông thôn. Hy vọng rằng trong tương lai, những rào cản về quyền sở hữu đất đai sẽ được giải quyết, góp phần vào sự phát triển toàn diện và bền vững của cộng đồng.