Đêm nhạc thắm tình hữu nghị Việt - Nga

Đầu tháng 5/2024 vừa qua, tại Nhạc viện Tchaikovsky Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra buổi hòa nhạc “Những câu chuyện Moscow” trong khuôn khổ Chương trình “Những viên ngọc của âm nhạc Nga và Việt Nam”. Đây là lần đầu âm nhạc Việt Nam vang lên trên “thánh đường âm nhạc” nước Nga. Sự kiện này cũng nêu bật tình đoàn kết của hai dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Lê Tự Minh giao lưu với khán giả khi buổi lễ kết thúc.
Nhạc sĩ Lê Tự Minh giao lưu với khán giả khi buổi lễ kết thúc.

“Những viên ngọc của âm nhạc Nga và Việt Nam”

Chương trình do Dàn nhạc giao hưởng hàn lâm quốc gia Moscow biểu diễn tác phẩm của các nhà soạn nhạc Lê Tự Minh (Việt Nam) và Rashid Kalimullin (Nga). Từ cuối năm 2023, sau khi nghe một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lê Tự Minh, lúc đó đang tham gia Liên hoan Âm nhạc hàn lâm quốc tế tại nước CH Adygea (thuộc Nga), nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Nga - đã tìm gặp nhạc sĩ Lê Tự Minh và mời tham gia chương trình “Tác giả, tác phẩm” tại Nhạc viện Tchaikovsky Moscow. “Tôi đã nghe các tác phẩm âm nhạc của Lê Tự Minh và tôi muốn chúng được vang lên ở Nhạc viện Tchaikovsky Moscow”, ông Rashid Kalimullin đề nghị.

Buổi hòa nhạc bắt đầu từ 19 giờ ngày 6/5, nhưng rất đông khán thính giả Nga và Việt Nam đến từ rất sớm. Những người Nga háo hức vì đây là lần đầu họ sẽ được nghe âm nhạc Việt Nam vang lên tại “thánh đường âm nhạc” nước Nga, Nhạc viện Tchaikovsky Moscow. Nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nga đến để thưởng thức, vừa yêu thương vừa trân trọng, vừa thể hiện niềm tự hào.

Trong chương trình “Những viên ngọc của âm nhạc Nga và Việt Nam” có các tác phẩm của nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga. Nghệ sĩ Nhân dân Nga và Cộng hòa Tatarstan, nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin, là một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Bốn tác phẩm của ông trong đêm hòa nhạc này bao gồm “Những câu chuyện Moscow”; “Về trời” - aria dành cho thanh nhạc, organ; “Đắm chìm” cho cello và dàn nhạc; “Các điệu múa giao hưởng theo chủ đề Ingushtia “Ánh sáng trên núi”; “Hành trình của Aladdin”. Hội đồng thẩm định của Nhạc viện Tchaikovsky Moscow đã chọn hai bản romance “Hồi sinh”, “Về bên mẹ” và bản “Ơi con sông Vàm Cỏ” cho cello của nhạc sĩ Lê Tự Minh để biểu diễn trong chương trình.

Tham gia đêm diễn còn có hai ngôi sao nước Nga là Anna Aglatova (nữ cao) và Boris Lifanovsky (cello), nghệ sĩ Lada Labzina (organ) đến từ phòng hòa nhạc Zaryadye Moscow. Người chỉ huy buổi hòa nhạc là nghệ sĩ nổi tiếng Airat Kashaev đến từ Nhà hát Bolshoi. Tại Nga, những nghệ sĩ này được xem là bảo chứng cho chất lượng biểu diễn và điều này có thể thấy rõ qua khán phòng đông kín người trong một buổi tối thời tiết khá lạnh.

Chương trình phát trực tiếp trên kênh YouTube của Dàn nhạc Giao hưởng hàn lâm quốc gia Moscow (MGASO). Đây cũng là một trong những dàn nhạc lâu đời nhất ở “xứ sở bạch dương”.

Âm nhạc Việt Nam giữa lòng Thủ đô Moscow

Anna Aglatova là nghệ sĩ độc tấu hàng đầu của nước Nga, là một trong số ít nữ ca sĩ có giọng cao đẹp nhất thế giới. Nghệ sĩ Anna Aglatova đã gây ngạc nhiên khi thể hiện bản romance Việt Nam “Hồi sinh” và “Về bên mẹ” một cách đầy cảm xúc, với giọng ca cuốn hút, làm nổi bật sức mạnh biểu đạt và sự đa dạng của âm nhạc. Bản romance “Hồi sinh”, như nhạc sĩ Lê Tự Minh cho biết, được sáng tác trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Việt Nam, với bao đau thương. Qua “Hồi sinh”, nhạc sĩ muốn gửi gắm thông điệp “dù gian nan đến đâu, hãy cứ giữ vững niềm tin rằng cuộc sống sẽ hồi sinh, nhân loại sẽ hồi sinh”.

Khi nghe Anna Aglatova thể hiện bản nhạc này, khán thính giả hình dung đến nước Nga, nơi vào mùa đông toàn bộ thiên nhiên đóng băng dưới lớp tuyết dày và tái sinh vào mùa xuân khi tuyết tan. “Hồi sinh” cho thấy sự tồn sinh mãnh liệt của cuộc sống, đó cũng là sức sống mạnh mẽ của hai đất nước Nga và Việt Nam. Cũng vậy, bản romance tiếp nối “Về bên mẹ” nổi bật với giai điệu đặc sắc, tình cảm thiết tha, sâu lắng. Tác giả đã truyền tải nhiều cung bậc khác nhau của tình cảm đứa con dành cho mẹ - quê hương…

Nghệ sĩ cello, chỉ huy tứ tấu cello của Nhà hát Lớn Nhạc viện Tchaikovsky Moscow - Boris Liphanovsky và dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Airat Kashaev cũng đã thể hiện xuất sắc bản “Ơi con sông Vàm Cỏ” cho cello. Khán phòng ngập tràn âm thanh dìu dặt và trong sáng, thiết tha từ tác phẩm này.

Một tác phẩm âm nhạc để được trình diễn trên sân khấu Nhạc viện Tchaikovsky Moscow trước hết phải được giới chuyên môn đánh giá cao và với ba tác phẩm của nhạc sĩ Lê Tự Minh được trình diễn ở đây, âm nhạc Việt Nam đã có khoảnh khắc lịch sử: Lần đầu âm nhạc Việt Nam vang lên trên “thánh đường âm nhạc nước Nga” và đang dần từng bước chinh phục những khán giả hàn lâm ở Thủ đô Moscow.

Thắm tình hữu nghị

Nhạc sĩ Lê Tự Minh từng tốt nghiệp Học viện Chính trị - Quân sự V.I.Lênin tại Moscow, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Nhạc sĩ Lê Tự Minh cho biết, ông luôn yêu quý nước Nga, nơi ông đã sống và học tập. Ông đã dịch hơn 40 bài hát Nga sang tiếng Việt. Ông nói: “Khi chúng tôi đến Nga, những người Nga coi chúng tôi như ruột thịt. Nước Nga dạy dỗ, nuôi nấng chúng tôi và chúng tôi đã nhận được rất nhiều từ Nga, không chỉ kiến thức về chuyên ngành mà còn cả kiến thức về văn học, âm nhạc Nga và sự hiểu biết về văn hóa Nga. Chúng tôi biết ơn nước Nga đã giúp chúng tôi giành chiến thắng trong chiến tranh, đã đào tạo cả một thế hệ người Việt Nam sau đó trở thành những người lãnh đạo kinh tế, văn hóa và khoa học. Tất cả người Việt từng học ở Nga đều coi đất nước này là quê hương thứ hai của mình, trở về đây như trở về quê hương của mình”, ông Lê Tự Minh chia sẻ.