Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, đến 17 giờ ngày 13/5, có tổng số 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trực hỗ trợ 24/7 để hướng dẫn thí sinh

Trong tổng số thí sinh, thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong các ngày đăng ký dự thi trực tuyến, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi cơ bản thuận lợi đối với tất cả các đối tượng thí sinh. Bộ đã bố trí nhân lực trực hỗ trợ liên tục 24/24 giờ trong các ngày đăng ký dự thi của thí sinh, thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin với 63 tỉnh, thành phố và phía đơn vị hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin.

Công văn hướng dẫn số 1515/BGDĐT-QLCL ngày 7/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, từ ngày 26/4/2023 đến hết ngày 28/4/2023, trường phổ thông cấp cho các thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 tài khoản và mật khẩu để truy cập Hệ thống Quản lý thi. Ngay sau khi được cấp tài khoản và mật khẩu, các thí sinh có thể thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi cho đến hết ngày 30/4. Thí sinh bắt đầu thực hiện đăng ký dự thi chính thức từ 7 giờ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí tổng đài hỗ trợ (1800 8000 nhánh số 2) tăng cường công tác trực hỗ trợ 24/7 để hướng dẫn thí sinh trong việc đăng ký dự thi trực tuyến; yêu cầu chủ động giám sát số lượng truy cập và chuẩn bị phương án, chuẩn bị thiết bị dự phòng để bổ sung kịp thời khi hệ thống có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn. Bộ đồng thời đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông phân công người hỗ trợ thí sinh trong quá trình thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến (cả thử đăng ký và đăng ký chính thức).

Ngay sau khi kết thúc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường nơi thí sinh đăng ký dự thi: rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh cho chính xác (nếu có) và được triển khai từ ngày 14-19/5. Sau đó, in danh sách thí sinh đã đăng ký trực tuyến, kiểm tra lần cuối và cho thí sinh ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi trên phiếu và danh sách, hoàn thành chậm nhất ngày 22/5; tiếp tục kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh và kết thúc chậm nhất 25/5.

Đối với thí sinh đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT: cùng với trường nơi đăng ký dự thi kiểm tra lại thông tin trước khi ký xác nhận vào phiếu và danh sách để kết thúc việc đăng ký. Tập trung vào ôn thi để đạt kết quả cao nhất cho kỳ thi diễn ra từ 27 - 29/6.

Lưu ý đối với thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2006. Nếu không đỗ tốt nghiệp, thí sinh sẽ phải dự thi với khóa đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018. Điều này gây không ít lo lắng cho một bộ phận phụ huynh - học sinh thế hệ “chuyển giao” giữa hai chương trình.

Học sinh học Chương trình GDPT 2006 hiện nay thi tốt nghiệp với ba bài thi bắt buộc gồm có: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai bài tổ hợp tự chọn: Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh thi bốn môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Các môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn học tự chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học - Công nghệ.

Một giáo viên tại Trường THPT Việt Đức Hà Nội cho biết: Từ năm 2025, với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nếu thi lại sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018. Thuận lợi là các môn thi theo chương trình mới hầu hết đều có trong chương trình 2006, trừ môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Do vậy, thí sinh cần bổ trợ thêm một số kiến thức mới ở chương trình 2018, tham khảo kỹ đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Ngoại trừ một số môn mới học như Giáo dục kinh tế và Pháp luật thì lượng kiến thức phổ thông giữa hai chương trình học có nhiều nội dung cơ bản, không quá khác biệt; chủ yếu khác về phương pháp tiếp cận kiến thức, cách đánh giá, khả năng vận dụng kiến thức… Vì vậy, những thí sinh đã hoàn thành lớp 12 Chương trình GDPT 2006 chỉ cần bổ túc, hệ thống lại kiến thức môn học chỉ từ hai đến ba buổi là có thể cùng tham gia dự thi với học sinh Chương trình GDPT 2018.

Thực tế, tại nhiều trường THPT trên cả nước, hằng năm có từ 20-25% số học sinh lớp 12 không đỗ tốt nghiệp. Số học sinh không đỗ tốt nghiệp của kỳ thi năm nay sẽ trở thành thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT tại trường vào những năm tới. Trong giai đoạn ôn tập sau khi đã hoàn thành chương trình lớp 12, các trường đều có khả năng tiếp nhận bổ trợ kiến thức cho học sinh Chương trình GDPT 2006 để tham gia dự thi tốt nghiệp theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Việc bổ trợ là cần thiết để thí sinh có thể hệ thống lại các kiến thức cũng như cách vận dụng kiến thức vì một trong những thay đổi căn bản của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng đánh giá năng lực học sinh hơn là kiểm tra kiến thức nên cấu trúc đề thi chắc sẽ có một số thay đổi so với hiện nay. Thời gian và hình thức hỗ trợ thí sinh tự do bổ trợ kiến thức có thể tùy vào từng môn học cụ thể.

Đại diện nhiều trường THPT đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể. Ngay từ tháng 10/2024, Bộ có thể công bố đợt 1 đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 để làm tài liệu tham khảo cho thí sinh “chuyển giao” giữa hai chương trình có thời gian tự học, bổ túc kiến thức phù hợp.