Tại Sine Saloum, khu vực nằm ở phía tây nam Thủ đô Dakar, nghề kéo sợi bông thủ công falé đã được truyền từ đời mẹ sang đời con gái hàng thế kỷ. Ngồi trên chiếc chiếu dưới gốc cây, những người quay sợi còn sót lại đang chăm chú vào công việc của mình. Sau khi tách chùm bông ra khỏi vỏ, các nghệ nhân sử dụng hai bàn chải gỗ và tăm kim loại để chải vật liệu này nhằm thu được sợi vải bông thô. Các sợi thu được sau đó được xoắn và kéo dài trên một suốt chỉ. Chính với những sợi vải chưa được xử lý này, những người thợ dệt đã tạo ra những chiếc khố dệt quý giá trong hai thế kỷ để mặc hoặc cung cấp trong các nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Serer tại Senegal.
Theo Le Monde, những năm gần đây, những người dệt bông thủ công đang ngày một giảm đi. Các cuộc di cư từ nông thôn lên các trung tâm kinh tế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Giới trẻ ngày càng bị thu hút bởi ánh đèn của Dakar, nơi cách Sine Saloum chỉ ba giờ đi xe. Không chỉ vậy, sự lên ngôi của sợi công nghiệp càng khiến nghề dệt bông thủ công “mất giá”. “Trong 20 năm nữa, truyền thống này có nguy cơ bị mai một vì sẽ không còn phụ nữ nào nắm được bí quyết dệt này nữa”, bà Jeanne D’arc Sarr, 50 tuổi, một nghệ nhân dệt bông lo lắng.
Nhận thức được nguy cơ này, Fatim Soumaré, 34 tuổi, sinh sống tại Pháp đã bắt tay vào một hoạt động nhằm hồi sinh nghề dệt truyền thống. Tháng 12/2020, trong một lần quay lại quê hương Senegal, Soumaré đã gặp gỡ “những phụ nữ có bí quyết phi thường này”. Là con gái của một thương nhân và thợ nhuộm các loại vải truyền thống, Soumaré thừa nhận luôn nuôi dưỡng “niềm đam mê với hàng dệt và sợi”. Tháng 10/2021, cô quyết định nghỉ việc tại Pháp, trở lại quê hương châu Phi với mục đích thành lập một cộng đồng thợ dệt bông thủ công.
Trong nhiều tuần, người phụ nữ trẻ băng qua các sườn dốc của Sine Saloum để thuyết phục những người thợ kéo sợi ở khoảng 30 ngôi làng tham gia dự án của cô nhằm hồi sinh cộng đồng kéo sợi truyền thống. “Một số làng từ chối. Ở những nơi khác, chỉ còn lại một số thợ kéo sợi đã quá già để tham gia”, cô nhớ lại. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục kiên nhẫn, khi đó, cô đã tập hợp được năm người.
Trong một năm, cộng đồng thợ thủ công của Soumaré đã sản xuất được 730 kg sợi bông falé. Đây là loại bông chất lượng nhất Senegal, đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong khi dệt. Hầu hết sợi falé sau khi hoàn thiện được xuất khẩu sang phương Tây vì có giá thành quá đắt đỏ đối với thị trường địa phương. Cùng sự đồng hành của Soumaré, những thợ dệt thủ công đã tạo ra doanh thu gần 4.000 euro, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng người dân trong khu vực.
Bên cạnh mong muốn tôn vinh bí quyết dệt bông thủ công, nhà sáng lập dự án nói trên còn muốn “đồng hành cùng những thợ dệt là phụ nữ trong việc trao quyền cho họ, cải thiện điều kiện làm việc và mức sống của họ”. Bà Marie-Hélène Sarr, một thợ kéo sợi 69 tuổi, hoan nghênh sáng kiến của Soumaré, tự hào về sự hồi sinh của nghề dệt bông thủ công của khu vực và sự gắn kết xã hội mà dự án đã tạo ra. Bà Sarr cũng như nhiều người khác trong khu vực này hy vọng, sự hồi sinh của nghề này sẽ thôi thúc sự quan tâm trở lại của giới trẻ với nghề này, khiến lĩnh vực dệt sợi bông thủ công trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh, mang lại những giá trị về văn hóa cũng như kinh tế trong tương lai.