Hội đàm trong bão tố

Diễn ra từ ngày 19 đến 25/5, Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), hơn lúc nào hết, đang trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế. Không chỉ vì những chiến lược đối ngoại cấp thiết sẽ được đưa ra, mà còn bởi chính phương Tây hiện tại cũng đang phải đối diện với không ít vấn đề, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu ZEW, từ đầu tháng 5/2023, niềm tin của các nhà đầu tư Đức đã và đang có chiều hướng sụt giảm, tạo nên những lo lắng ngày càng rõ rệt về nguy cơ suy thoái. Chỉ số kỳ vọng về nền kinh tế đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm 14,8 điểm, xuống âm 0,7 điểm, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Kể từ tháng 12/2022, đây cũng là lần đầu chỉ số này tụt xuống mức âm. Nó thể hiện tâm trạng bi quan của các nhà đầu tư, đối với nền kinh tế.

Quan trọng hơn, theo Chủ tịch của ZEW, ông Achim Wambach, các chuyên gia về thị trường tài chính nhận định tình hình nền kinh tế sẽ xấu hơn trong sáu tháng tới. Nghĩa là, nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ.

Bên cạnh nước Đức, cũng không thể không nhắc đến việc xã hội Pháp-quốc gia cùng Đức đảm nhiệm vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) - cũng chưa xử lý hoàn toàn được các hệ quả của việc nâng tuổi nghỉ hưu, điều làm dấy lên một làn sóng biểu tình phản đối dữ dội.

Như để làm dày thêm những gam mầu xám, một cuộc thăm dò ý kiến 62 chuyên gia kinh tế (do hãng tin Reuters thực hiện vào trung tuần tháng 5) cho thấy: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi thêm 25 điểm vào tháng 6 tới, đưa lãi suất chuẩn lên mức 3,50%.

Một số nhà hoạch định chính sách của ECB nhấn mạnh rằng ECB có thể sẽ phải duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến, cho đến khi tình trạng lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Đặt cạnh áp lực đang đè nặng lên nền kinh tế Đức, có thể nói, bức tranh tổng thể của kinh tế châu Âu là tương đối đáng lo ngại, trong ngắn hạn.

Bên kia Đại Tây Dương, đến tận ngày 16/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vẫn khẳng định: "Hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công", dù ông cũng vẫn "để hé cửa" về khả năng này trong những ngày tới. Trước nguy cơ chính phủ "vỡ nợ", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải tuyên bố sẽ cắt ngắn chuyến công du châu Á (dự kiến sẽ tiếp nối hội nghị cấp cao G7), để trở về Washington sớm, nhằm thúc đẩy xử lý vấn đề hóc búa này.

Và hiện tại, các tập đoàn tài chính-ngân hàng cũng như các công ty quản lý tài sản ở Phố Wall (Wall Street-trung tâm tài chính Mỹ) đã phải lên kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Họ không muốn và không thể để mình rơi vào tình trạng hỗn loạn như khi ngân hàng Silicon Valley sụp đổ, điểm khởi đầu một chuỗi khủng hoảng ngân hàng thời gian qua.

Trong bối cảnh tiềm ẩn đầy "cạm bẫy" (với các nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát tăng, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục bị mở rộng…) ấy, thực tế, mọi quyết sách quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao G7 lần này đều sẽ bị đặt trước những nghi vấn.

Một cách ngắn gọn, chương trình hành động chung nào cũng sẽ phải đặt trên cơ sở tài chính cũng như sự đồng thuận về mức độ đóng góp giữa các thành viên. Do đó, những vấn đề dự kiến sẽ được bàn thảo như: Thiết lập quy tắc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), chống biến đổi khí hậu hay những thách thức về địa chính trị toàn cầu (Ukraine, châu Á-Thái Bình Dương, bán đảo Triều Tiên…) đều sẽ ít nhiều phụ thuộc vào các cuộc họp bàn về quản trị kinh tế-tài chính, về cách thức hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những khó khăn hiện tại, nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng diện rộng.

Và kể cả như vậy, vẫn còn đó lời tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng trước: "Châu Âu cần giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ". Nói cách khác, nội tại G7 (cũng là nội tại khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và phương Tây nói chung), những vết rạn vẫn chưa từng được thật sự xóa nhòa…