Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch EuroCham Alain Cany khuyến nghị Việt Nam đang có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, với tiêu chí “xanh và chất lượng cao” từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến đầu tư an toàn và cạnh tranh. Cũng theo EuroCham, đơn vị này đã lên kế hoạch để đưa vấn đề tăng trưởng xanh, chuyển đổi sinh thái đối với nền kinh tế châu Âu và các đối tác, làm chủ đề xuyên suốt trong các hoạt động của năm 2022. Nổi bật là Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 dự kiến vào cuối năm nay tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Alain Cany tái khẳng định, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu hết sức ủng hộ môi trường đầu tư bình thường mới của Việt Nam sau đại dịch. “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc quan sau khi Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch. Kết quả của cuộc khảo sát đã phản ánh điều này. Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và là một trong những điểm đến đầu tư hiệu quả và sôi động trên thế giới”. Trong quý đầu tiên của năm 2022, BCI của Việt Nam đã tăng lên 73 điểm, tiếp tục tăng điểm cao nhất kể từ sau làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu hiện lạc quan hơn sau khi Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế.
Về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu, ông Cany cho rằng, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái đã đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong quan hệ hai bên, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư từ hai phía và giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế. “Việt Nam và châu Âu đang có một mối quan tâm chung là tình trạng BĐKH và suy thoái môi trường là mối đe dọa hiện hữu. Bởi vậy, chúng ta còn nhiều dư địa hợp tác trong các lĩnh vực này”, ông chia sẻ.
Trong những chương trình nghị sự gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực triển khai hành động về “Thỏa thuận xanh”, là chiến lược tăng trưởng mới của châu Âu nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế thông qua công nghệ xanh, tạo ra ngành công nghiệp và giao thông bền vững, đồng thời cắt giảm ô nhiễm. Tương tự, Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mỗi ngành kinh tế, quy hoạch vùng… theo hướng tích hợp, lồng ghép các vấn đề đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26).
Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá cao về kế hoạch triển khai chương trình phát triển và hợp tác quốc tế giữa EU và Việt Nam giai đoạn 2021-2027, hay còn gọi là Chương trình hợp tác định hướng đa niên (MIP) được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, sẽ tập trung vào hợp tác trong những lĩnh vực như khả năng chống chịu khí hậu, phát triển ít carbon, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp có trách nhiệm và quản trị hiệu quả…
Ông Aliberti chia sẻ, MIP 2021-2027 giữa EU với Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên hợp tác chung trong các lĩnh vực ưu tiên như nền kinh tế tuần hoàn số thích ứng với khí hậu; khởi nghiệp có trách nhiệm và nâng cao tay nghề; tăng cường quản trị và cải cách thể chế. EU dự kiến cung cấp viện trợ không hoàn lại tối đa 210 triệu euro trong bốn năm đầu tiên (2021-2024) để củng cố hợp tác song phương và thúc đẩy các lợi ích chung trong các lĩnh vực kể trên. Thông qua các ưu tiên đã xác định, đại diện EU và các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển những chương trình, dự án liên quan, qua đó khẳng định vị trí đối tác quan trọng giữa EU và Việt Nam.