Hành trình chữa lành vết thương chiến tranh

Steve Edmunds lần đầu đến Việt Nam vào tháng 12/1966. Đó không phải một chuyến du ngoạn mà là khởi đầu cho chuỗi ngày ám ảnh ông đến suốt cuộc đời. Những trải nghiệm kinh hoàng về chiến tranh đã khiến ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn trong suốt mười năm.
0:00 / 0:00
0:00
CCB Mỹ Steve Edmunds (thứ 2 từ trái sang) cùng các CCB Trung đoàn 209 trở lại chiến trường tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Đức Bình
CCB Mỹ Steve Edmunds (thứ 2 từ trái sang) cùng các CCB Trung đoàn 209 trở lại chiến trường tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Đức Bình

Tháng 5/1968, Steve được xuất ngũ, trở về nhà. Ông cố gắng quên đi ký ức đau buồn để sống một cuộc đời bình thường, nhưng điều đó đã không xảy ra. Steve luôn bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng chiến tranh. Để vượt qua những đêm dài bất tận, Steve đã tìm sự trợ giúp của rượu và ma túy. Cuối cùng, vào tháng 11/1978, sau hai lần thất bại trong hôn nhân, Steve cảm thấy tuyệt vọng và quyết định kết thúc cuộc đời bằng một khẩu súng, nhưng may mắn ông đã bắn trượt. Hình ảnh cô con gái bảy tuổi - Michele hiện lên trong tâm trí ông. "Mình làm gì vậy? Mình sắp tước đi quyền có bố của con gái. Mình sẽ không ở đó để dự lễ tốt nghiệp trung học của con, không nhìn thấy con mặc trang phục cho buổi dạ hội cuối cấp. Mình sẽ không ở đó trong đám cưới của con. Mình sẽ không được biết những đứa cháu tương lai..." - ông nghĩ. Ông buông súng, gọi cho một người bạn. Người bạn ấy đã kể cho ông nghe một chương trình tin tức do John Hart của NBC News thuật lại về những vấn đề mà các cựu chiến binh (CCB) từng tham chiến ở Việt Nam đang gặp phải và sự giúp đỡ mà họ cần. Ngày hôm sau, Steve điện thoại tới văn phòng làm việc của John Hart ở New York...

Chín tháng trước lần đầu tiên trở lại Việt Nam, Steve nhận được lời đề nghị từ tổ chức Point Man tham gia chương trình đưa CCB Mỹ trở lại Việt Nam để chữa lành những sang chấn tâm lý. "Đó là quyết định đúng đắn khiến tôi thay đổi cuộc đời", Steve nói. Tháng 9/1996, Steve trở lại Việt Nam sau 28 năm, bắt đầu hành trình tìm lại sự bình yên trong tâm trí và trái tim mình. Ông đến với những người mắc bệnh phong ở làng phong Bến Sắn (Bình Dương), những đứa trẻ trong cô nhi viện, những người sống lang thang trên đường phố, để bày tỏ tình yêu và lòng trắc ẩn, cung cấp thực phẩm, quần áo, vật tư y tế, xây dựng trường học để bù đắp những thiệt thòi cho họ.

"Lần đầu tiên tôi gặp Linh, cô bé mới bảy tuổi, đang đứng ở rãnh nước cạnh một cái chợ. Cô bé tìm nhặt đồ ăn thừa trong đống rác. Bụng tôi quặn thắt. Tôi đến chỗ cô bé và đưa gói kẹo cao su. Linh cười, dắt tay tôi đến nơi mẹ và hai em trai đang tá túc trên vỉa hè. Người mẹ ra hiệu cho tôi đưa lũ trẻ trở lại chợ và cho chúng ăn. Chúng tôi đưa thức ăn cho họ. Kể từ đó, Linh và gia đình em đã trở thành đại gia đình của chúng tôi" - Steve nhớ lại.

Steve Edmunds sinh năm 1945, sống tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ. Ông tham chiến tại Việt Nam từ tháng 12/1966 đến tháng 5/1968, thuộc đơn vị Đại đội C, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn 4 Bộ binh; Lữ đoàn 3, Sư đoàn 82 Nhảy dù, Hoa Kỳ.

Chuyến trở lại Việt Nam năm 1996 đã giúp Steve nhận được sự tha thứ của những người từng coi ông là kẻ thù. Một năm sau, ông quyết định đến Hà Nội, nơi quân đội Mỹ đã dội hơn 36.000 tấn bom vào tháng 12/1972, để tìm sự hòa giải với cựu thù và với cả quá khứ cay đắng của mình. Chiếc xe tải chở gạo và sữa dừng lại ở một ngôi làng. Steve tiến đến cái chòi, nơi một gia đình đang ở, ông mang theo bao gạo và thùng sữa. "Đứng trước họ, tôi không thể nói nên lời, nước mắt chảy dài trên mặt. Chúng tôi đang ở đây trong một quốc gia cộng sản, và chúng tôi đang gặp gỡ những người có trái tim tràn đầy sự tha thứ và tình yêu", ông chia sẻ.

Hành trình chữa lành vết thương chiến tranh ảnh 1

Buổi gặp gỡ hữu nghị các CCB Mỹ và Việt Nam tại nhà truyền thống Báo Nhân Dân. Ảnh: Duy Linh

2 Một buổi chiều cuối thu Hà Nội, người cựu binh Mỹ già chầm chậm bước vào khuôn viên tòa soạn Báo Nhân Dân. Ông nhận ra những người bạn đang đứng chờ ông dưới tán cây đa cổ thụ. Đó là các CCB Trung đoàn 209, những người từng là đối thủ trực tiếp của ông trong các trận đánh tại chiến trường Tây Nguyên 55 năm trước, bây giờ họ tìm nhau để làm bạn. Niềm vui hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười, những cái ôm ấm áp, những lời thăm hỏi ân cần và cái bắt tay thật chặt.

Đó là ngày 8/11/2022. Chúng tôi đón vị khách cao lớn, râu tóc bạc phơ, vừa bay qua nửa vòng trái đất đến Hà Nội. Ông Steve Edmunds, giám đốc dự án và điều phối các nỗ lực nhân đạo của cựu chiến Mỹ tại Việt Nam, 77 tuổi, từng trải qua ba cuộc phẫu thuật, phải đeo máy trợ tim, bước chân trở nên khó nhọc, nặng nề. "Nhưng Việt Nam chính là nơi cuối cùng trên trái đất tôi muốn quay trở lại" - Steve nói.

Cuộc gặp gỡ mở đầu bằng việc đi thăm nhà truyền thống, xem phim tài liệu về lịch sử ra đời và phát triển của Báo Nhân Dân. Không khí ấm áp, thân tình đã nhanh chóng lấp đầy khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa và nhất là những mặc cảm của người cựu binh Mỹ.

Trong hành trang của Steve lần trở lại này có cuốn sổ kỷ vật của một liệt sĩ hy sinh ngày 23/7/1967 tại Plei Ya Bo, Gia Lai mà người chỉ huy của ông - trung đội trưởng Clay Andrews đã lấy trên thi thể của đối thủ và cất giữ trong 55 năm qua. Steve nhận trách nhiệm trao trả cho thân nhân liệt sĩ. Trước đó, Steve đã gửi cho chúng tôi hình ảnh một số trang nhật ký và những bức ảnh chân dung, đề nghị tìm giúp thân nhân liệt sĩ. Sau khi tiếp nhận thông tin, Báo Nhân Dân đã có công văn gửi cơ quan chức năng các địa phương có tên người và tên địa danh trong nhật ký, đề nghị phối hợp xác minh thông tin liệt sĩ và tìm kiếm thân nhân. Kết quả rà soát, xác minh của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết, nhiều tên người ghi trong nhật ký là tên các anh trai và anh rể của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài, ở xã Vạn Xuân.

Nhận được thông tin CCB Mỹ trao trả kỷ vật liệt sĩ Phạm Tuấn Tài, anh Phạm Văn Sự cùng người thân tức tốc bắt xe về Hà Nội, tìm đến Báo Nhân Dân. Buổi gặp gỡ giữa Steve và gia đình liệt sĩ Tài đã khiến những người chứng kiến không kìm nén được xúc động. Những giọt nước mắt của tình người, lòng biết ơn, sự tha thứ cứ tuôn trào trên gương mặt những người từng là cựu thù.

Lần đầu tiên được chạm tay vào kỷ vật thiêng liêng của người chú ruột đã hy sinh từ 55 năm trước, anh Sự xúc động bày tỏ lòng biết ơn Báo Nhân Dân đã tìm kiếm, kết nối thông tin để gia đình anh được nhận lại kỷ vật. Ðó là cuốn sổ nhật ký đã ngả mầu vàng và nhiều bức ảnh còn rõ nét. Cuốn sổ ghi nhiều lưu bút của liệt sĩ Tài, những bức tranh tự họa, một bức thư chưa kịp gửi về gia đình, nhiều trang viết vẫn còn dang dở... Sau hơn nửa thế kỷ được gìn giữ bởi những người từng là cựu thù, những kỷ vật của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài đã đi nửa vòng trái đất để trở về với gia đình.

3 14 năm trước, cũng vào một chiều thu Hà Nội, Steve lần đầu gặp lại cựu thù Phạm Văn Chúc, người đã ra tận cửa sân bay Nội Bài đón ông. "Chúng tôi nhận ra nhau, cùng đi về phía nhau, ôm chặt nhau, cùng nói với nhau rằng: Trong quá khứ chúng ta là kẻ thù, bây giờ chúng ta là bạn bè"- Steve kể. Trước đó, tháng 3/2009, Steve bất ngờ nhận được email của ông Chúc đề nghị tìm giúp những hố chôn đồng đội đã hy sinh tại Chư Tan Kra, Kon Tum, trong trận chiến ngày 26/3/1968. Dù không tham gia trận đánh đó, nhưng ngay lập tức Steve nhận lời vì nghĩ đây là cơ hội để sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ. Steve liên hệ những người từng tham chiến để thu thập thông tin. Ít ngày sau, ông đã gửi cho ông Chúc bản nhật ký trận đánh FSB 14, tháng 3/1968, của Sư đoàn Bộ binh 4, Hoa Kỳ. Dữ liệu cho biết, họ đã chôn 134 thi thể quân Bắc Việt trong ba hố bom ở gần sở chỉ huy căn cứ Hoa Kỳ. Gần hai tháng sau, ông nhận được tin từ ông Chúc cho biết đã tìm thấy 15 hài cốt liệt sĩ trong một hố chôn tập thể.

Tháng 10/2009, Steve trở lại Việt Nam, hành trang mang theo là nhật ký chiến trường, một số ảnh và giấy tờ thu trên thi thể bộ đội và những bức ảnh tư liệu chụp trận địa. Từ những thông tin này, các CCB Trung đoàn 209 phối hợp Huyện đội Sa Thầy (Kon Tum) đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ. Tháng 11/2016, Steve thuyết phục hai CCB Mỹ là John Cimino và Terry Faulkner trở lại Kon Tum cùng các CCB Trung đoàn Việt Nam vượt núi băng rừng đào tìm hài cốt đồng đội. Cũng trong dịp này, John Cimino đã trao trả chiếc ví kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi, chiến sĩ Trung đoàn 209 mà ông đã cất giữ trong gần 50 năm.

Dõi theo hành trình của Steve, Mike Dineen, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bày tỏ: "Đây là một câu chuyện rất đáng suy ngẫm và thực sự mang lại cho tôi hy vọng cho nhân loại. Thật tuyệt vời khi thấy những kẻ thù cũ ôm lấy nhau để chữa lành vết thương quá khứ và hình thành những tình bạn đáng kinh ngạc đưa chúng ta đến tương lai tốt đẹp. Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy điều này".

Trong hành trình chữa lành vết thương chiến tranh, Steve và các CCB Trung đoàn 209 - những người lính từng ở hai bên chiến tuyến - đã trở thành những người bạn thân thiết. Hơn 50 năm đã trôi qua, dù đã ở bên kia con dốc cuộc đời, nhưng tình người đã thôi thúc họ tìm về bên nhau. Chính tình người và sự tôn trọng ở cả hai phía đã thúc đẩy sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt Nam và Mỹ, để cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp.