Người viết trẻ được thừa hưởng thành quả 4.0 và công nghệ AI, nên tiếp nhận thông tin nhanh chóng và đa chiều. Đời sống văn chương phương Nam luôn sôi nổi. Thị trường văn học phải nói là sôi nổi bậc nhất trong cả nước. Đồng nghĩa vốn kiến thức về văn chương ở nơi đây được “trình làng” trong mỗi năm luôn đứng tốp đầu. Bên cạnh đó, hoạt động của Hội Nhà văn thành phố luôn thường xuyên và sôi nổi, như tổ chức ra mắt sách các hội viên trung bình 5-10 tác phẩm mỗi tháng.
20 năm trở lại đây, thơ trẻ trên địa bàn luôn vận động và phát triển, liên tục xuất hiện nhiều nhà thơ mới và gây dựng được vị trí của mình. Sự dung nạp của văn chương phương Nam còn nằm ở sự đón nhận nguồn gốc, phông văn hóa của mỗi cá nhân thơ trẻ mang lại. Những năm gần đây còn xuất hiện các bạn trẻ viết thơ, xuất bản trên không gian mạng, mang theo “căn cước” của quê hương mình đến quy tụ.
Thơ trẻ cũng mang nhiều thách thức nội tại. Có phải chúng ta có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều đường đi, quá nhiều thi pháp nên người trẻ vẫn băn khoăn, ngập ngừng và chưa dám mạnh dạn tiến bước. Đã có rất nhiều người trẻ đến với văn chương nhưng cũng nhiều người rời đi, bỏ cuộc. Cái thách thức của người trẻ là sự lăn xả với văn chương, là sự đánh đổi lưng chừng giữa sự nghiệp, vòng xoáy cơm áo gạo tiền với con chữ. Nó là một quang gánh thật sự không tương xứng, nên người trẻ còn e dè, thiếu tâm huyết, trách nhiệm với văn chương.
Do đó, nhiều trang viết, bài thơ còn ở lưng chừng, chưa đi đến tận cùng hạnh phúc lẫn khổ đau. Nhiều tác phẩm thơ trẻ vẫn mang tính hời hợt, thiếu sự sâu sắc trong tư tưởng. Nội dung đôi khi chỉ dừng lại ở những cảm xúc bộc phát, không có sự trăn trở hay suy tư sâu sắc về các vấn đề của xã hội. Mặc dù có một số tác phẩm phản ánh các vấn đề xã hội, nhưng nhìn chung, thơ trẻ vẫn chưa đủ mạnh mẽ trong việc kết nối và đối thoại với các thực tế của cuộc sống. Sự thiếu đi tính chất này tạo ra một khoảng cách giữa tác giả và độc giả. Đã có nhiều bài thơ, gần giống thơ ra đời một cách hời hợt, khiến độc giả “quên ngay sau khi đọc”, không chút mảy may rung động nào với thơ loại ca-dao-hò-vè.
Nhiều tác giả vẫn còn ngại ngần trong việc thử nghiệm với các hình thức và cấu trúc thơ mới lẫn cũ. Sự cứng nhắc trong việc tuân theo các quy luật truyền thống hay thể loại mới khiến cho thơ trẻ thiếu sự đổi mới thực thụ, ít hấp dẫn hơn trong mắt độc giả, làm cho chúng mình tự già đi trong tư tưởng mình.
Và thách thức lớn hơn là: làm sao thơ trẻ chúng ta có vị thế tương xứng với lực lượng, tiềm năng. Cánh cửa thành công không bao giờ được dựng giữa đường, nó luôn ở phía cuối, chỉ có cách duy nhất là ta đi đến tận cùng con đường để mở nó.