Du lịch Việt Nam đi trước về sau
Là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ phục hồi du lịch thấp so với các nước. Theo trang VisaGuide.World công bố cuối năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam chỉ 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thailand, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 - 31%.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, chính sách visa được đánh giá là lý do quan trọng khiến Việt Nam mở cửa sớm nhưng khách quốc tế lại ít đến hơn các nước láng giềng như Thailand hay Indonesia. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu khách. Năm 2023, nước ta lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, song con số này đang gặp thách thức rất lớn khi Trung Quốc chậm đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn và đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng.
Trong khi, khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch. Minh chứng là trong ba năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Dịp Tết Nguyên đán 2023, khách nội địa tăng gần 50% nhưng tổng thu du lịch giảm 30%... Những con số này cho thấy, khách quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi du lịch Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo mở visa, phục hồi du lịch được tổ chức mới đây, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, chính sách visa du lịch hiện còn cứng nhắc, chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới, gây trở ngại cho khách du lịch quốc tế. Theo đó, mới có 24 quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam, thời gian được miễn thị thực rất ngắn (15-30 ngày). Các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ... So sánh với Thailand, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày. Như vậy, chỉ riêng về chính sách xuất nhập cảnh, Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc đua thu hút du khách từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc - những thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, nhu cầu du lịch lớn, thời gian lưu trú dài ngày, để bù đắp cho sự thiếu hụt du khách Trung Quốc.
Giám đốc Inbound Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Võ Việt Hòa cũng cho biết, khách nước ngoài truyền thống đi du lịch theo đoàn. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang tiếp cận khách cao cấp, khách đi lẻ do xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đóng góp rất lớn cho doanh thu của ngành du lịch. Thế nhưng, nhiều quy định cấp visa hiện nay chưa thông thoáng như thời điểm trước dịch Covid-19. Đơn cử, việc gia hạn visa điện tử, trước dịch rất linh hoạt, có thể dễ dàng xin gia hạn nhưng hiện nay rất khó. Hoặc trường hợp xin cấp visa tại cửa khẩu, trước dịch rất thông thoáng dễ dàng nhưng hiện nay đang ách tắc. Bên cạnh đó, việc cấp visa của Việt Nam hiện có những mặt hạn chế như không xuất nhập cảnh nhiều lần được trong khi khá nhiều tour khai thác tuyến liên quốc gia, một chuyến đi qua hai - ba nước, như vậy nhu cầu xuất nhập cảnh nhiều lần ngày càng phổ biến.
Sớm ban hành các chính sách đột phá, cởi mở
Có thể thấy, “nút thắt” lớn nhất của ngành du lịch nước ta hiện nay là chính sách visa. Song chính sách này hoàn toàn có thể khắc phục được. Thực tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã chứng minh chính sách visa thông thoáng, cởi mở, thuận lợi là giải pháp hiệu quả để thu hút khách quốc tế. Dẫn câu chuyện Nga là nước yêu cầu xét duyệt visa rất khó khăn nhưng khi tổ chức World Cup, họ sẵn sàng chấp nhận “phiên ngang” tấm vé xem bóng đá với thị thực, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh, các nước sử dụng visa linh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm, từng thời điểm với mục tiêu phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch, hình ảnh quốc gia, không cứng nhắc theo nguyên tắc có đi có lại. Trong khi đó, Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm nhưng từ 15/3/2022 đến nay vẫn “kiên trì” chính sách visa khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít, số ngày lưu trú là 15 ngày.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị, cần nhanh chóng sửa luật, ban hành các chính sách đột phá, cởi mở về visa. Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan (Trung Quốc) hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới sáu tháng cho một số thị trường trọng điểm...
Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Lương Hoài Nam cũng đề xuất, nới visa như các nước, ứng dụng mạnh công nghệ, xóa sổ nạn tiêu cực trong dịch vụ xin visa để tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Phải coi chính sách visa là một công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của Việt Nam.
Khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong nền kinh tế, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, với nhiều giải pháp ngành du lịch đang từng bước phục hồi, song sự phục hồi không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa. Tuy nhiên, du khách nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với khách quốc tế. Nói cách khác, sự vắng bóng của du khách quốc tế, đối tượng khách chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành du lịch, đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu... không thể vực lên nổi dù lượng khách nội địa tăng. Do đó, cần xem xét tháo gỡ về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở Việt Nam thì hết hạn visa và phải sang nước lân cận để gia hạn visa rồi quay lại Việt Nam. Điều này vô tình hạn chế sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trong mắt du khách.
Nhấn mạnh visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch từ các thị trường xa. Tương tự, thay vì cấp thị thực một lần, nên nâng cho xuất nhập cảnh được nhiều lần.
Giám đốc Inbound Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Võ Việt Hòa cũng cho rằng, cần có cơ chế xin visa ở nhiều chi nhánh khác như đầu Hà Nội, Đà Nẵng chứ không chỉ tập trung ở TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần có thêm các dịch vụ lấy visa nhanh, lấy trong ngày và quy định cụ thể thêm về điều kiện để khách có thể tự xin trong trường hợp khẩn cấp để nhập cảnh vào Việt Nam. Visa điện tử trên website: ngoài ngôn ngữ cần có thêm các ngôn ngữ khác cho khách dễ sử dụng.
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương cũng đã kiến nghị nới visa để thu hút du khách quốc tế. Đơn cử, để tạo chính sách kích cầu thu hút du khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, tạo điều kiện cho người nước ngoài có thêm thời gian ở lại Phú Quốc trải nghiệm các sản phẩm du lịch, UBND tỉnh Kiên Giang đang kiến nghị T.Ư cho phép nâng thời gian miễn thị thực với thời gian tạm trú sáu tháng cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. Trường hợp người nước ngoài đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên lãnh thổ Việt Nam, lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc cũng được miễn thị thực.
Mới nhất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch miễn thị thực nhập cảnh đối với những thị trường trọng điểm có lượng khách lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam du lịch.