Nhiều rào cản
Chuyển đổi năng lượng là quá trình thay đổi sản xuất điện năng từ các nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên…) sang các nguyên liệu có khả năng tái tạo (gió, mặt trời, thủy triều, sinh khối…). Theo đó, nhiệt điện than, điện dầu, điện khí sẽ dần được thay thế bởi điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, điện sinh khối…
Đây là xu hướng toàn cầu mà Việt Nam đang theo đuổi, nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng bền vững, giải quyết bài toán thiếu điện hiện nay; đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế (do hiện nay nhiều đối tác yêu cầu hàm lượng “xanh” trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam).
Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050.
Trong hàng loạt chương trình hành động của Việt Nam để thể hiện quyết tâm nói trên, chính sách phát triển điện lực quốc gia mới ban hành là một minh chứng rõ nét. Theo đó, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, Chính phủ định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 67,5 - 71,5% cơ cấu nguồn điện, tăng gần gấp ba lần con số 26,4% cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu rất tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có vai trò nòng cốt, hiện đang gặp khó khăn về chuyển đổi năng lượng.
Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên thời gian vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Kim Đức, một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (huyện Bến Lức, Long An) đã phải tự sản xuất điện để phục vụ sản xuất. Công ty Kim Đức hợp tác có thời hạn với Quỹ đầu tư Ecoligo của Đức (chủ đầu tư) và Công ty CP Vũ Phong Energy Group (cung cấp dịch vụ tổng thầu - EPC và vận hành, bảo dưỡng - O&M) để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trên mái nhà xưởng của Kim Đức từ năm 2021, sau đó Kim Đức mua điện này với giá rẻ hơn mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, với công suất 2,22 MWp, năm 2022, hệ thống đã tạo ra khoảng gần 2.600 MWh (megawat giờ) điện từ năng lượng mặt trời, đóng góp khoảng 12 - 13% lượng điện tiêu thụ của nhà máy Kim Đức, giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương gần 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm.
Ưu điểm lớn như vậy, song theo ông An, hiện nay không có quy định doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để bán cho EVN; đồng thời, việc doanh nghiệp bán điện sạch cho nhau khi thừa công suất, không thông qua lưới điện của EVN, cũng chưa có quy định cụ thể.
Tại Quảng Trị, thủ phủ điện gió mới được Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thành trung tâm năng lượng sạch của miền trung, ông Nguyễn Trung Thành, Tổng Giám đốc Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 1 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) cho biết, nhà máy đã chạy thử nghiệm, được nghiệm thu và công nhận vận hành thương mại (COD), nhưng đến nay chưa được phê duyệt giá bán điện chính thức do không kịp tiến độ hưởng giá FIT trước ngày 1/11/2021.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Hoàng Anh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 cho biết, Nhà máy Hướng Linh 3 đã hòa lưới điện của EVN hôm 22/8, nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại nên không được áp dụng giá chuyển tiếp, còn Nhà máy Hướng Linh 4 thì xây dựng xong cũng không vận hành được vì quá tải hệ thống.
“Hiện các bên đều bối rối chưa biết xử lý ra sao với những dự án như Hướng Linh 3 và 4. Trong khi nhiều tỷ đồng của doanh nghiệp thì “đắp chiếu” và giá chuyển tiếp còn thấp hơn giá thành doanh nghiệp đã sản xuất điện gió”, ông Sơn nói.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, hiện nay doanh nghiệp và địa phương còn lúng túng đối với một số dự án điện gió, nhất là về cơ chế giá.
“Trước đây có giá FIT áp dụng đến 31/10/2021, các doanh nghiệp chạy đua để kịp hưởng giá FIT. Quảng Trị hiện có hơn 10 dự án thi công dở dang và đang rất khó khăn”, ông Đồng nói và cho biết, tỉnh đang đề xuất tháo gỡ cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
Hệ thống ĐMT mái nhà tại Công ty Kim Đức đã góp phần giảm chi phí tiền điện cho doanh nghiệp và giảm phát thải carbon. Ảnh: TL |
Khơi thông “điểm nghẽn” để năng lượng tái tạo phát triển
Quy hoạch điện VIII xác định, điện mặt trời và điện gió (bao gồm điện gió trên bờ và ngoài khơi) sẽ là hai nguồn phát điện chính vào năm 2050, chiếm tới 63% cơ cấu nguồn điện quốc gia. Trong đó, điện mặt trời chiếm 34% và điện gió chiếm 29%. Ngược lại, nhiệt điện than sẽ giảm từ 33% năm 2022 xuống còn 22% vào năm 2030 và đến 2050 thì không còn sử dụng than để phát điện.
Gió và mặt trời cũng là hai nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có lợi thế. Trong một báo cáo mới công bố hồi tháng 10/2023, Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey nhận định, tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam vô cùng lớn vì đây là quốc gia phù hợp nhất ở Đông Nam Á để phát triển năng lượng gió và mặt trời, với công suất tiềm năng đạt 1.000 GW (gigawat).
Tuy nhiên, McKinsey nhấn mạnh, nếu không sớm chuyển sang năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể phải đối mặt với hàng loạt rủi ro: Mất điện liên tục, mất lợi thế trong chuỗi cung ứng (do không kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo ngày một tăng của các doanh nghiệp nước ngoài), nền kinh tế bị ảnh hưởng nếu phải chịu thêm thuế carbon và rộng hơn là rủi ro về biến đổi khí hậu, mất cơ hội vào tay các quốc gia láng giềng…
Theo đơn vị này, bằng việc đẩy mạnh đầu tư vào lưới điện, sửa đổi và cải thiện các hợp đồng mẫu về mua bán điện (PPAs), thực hiện đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo mới..., Việt Nam có thể đẩy nhanh cam kết “net zero” và trở thành quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á có nền kinh tế năng lượng tái tạo có giá trị cao nhất khu vực chỉ trong vòng một thập kỷ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, Bộ Công thương cho rằng, khung quy định cho ngành năng lượng hiện hay chưa đầy đủ do chưa có Luật Năng lượng tái tạo; còn Luật Điện lực và các văn bản liên quan chưa đủ cơ sở để điều chỉnh lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Để chuyển dịch năng lượng, theo ông Tuấn, cần có bốn yếu tố: Công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, nếu thiếu chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ diễn ra rất chậm.
Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3), để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Công thương phải sớm hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi có Kế hoạch thực hiện thì các cơ quan liên quan mới có thể đề xuất chương trình hành động cụ thể để thực hiện, thay vì ngồi chờ quy định như hiện nay.
Nhận định chung về vấn đề này, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, Quy hoạch điện VIII dù đã thỏa mãn được yêu cầu của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không, việc thiếu điện sẽ vẫn hiện hữu, giá điện vẫn là điểm nghẽn, trong khi giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.
Tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, giá FIT (Feed-in Tariff) thu mua điện gió đất liền tương đương 8,5 UScents/kWh (khoảng 1.928 đồng/kWh); điện gió trên biển được mua với giá tương đương 9,8 UScent/kWh (khoảng 2.223 đồng/kWh). Cơ chế giá này được áp dụng 20 năm, dành cho các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021.
Biểu giá FIT này (sau đó được Thanh tra Chính phủ kết luận là “thiếu căn cứ”) đã tạo ra một “cuộc đua” đầu tư điện gió của các doanh nghiệp để kịp hưởng giá FIT mới trước ngày 1/11/2021. Hậu quả của sự phát triển ồ ạt này là hệ thống lưới điện bị quá tải, phá vỡ quy hoạch…, buộc các nhà máy điện gió phải giảm công suất.
Ngày 7/1/2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT phê duyệt giá mua điện chuyển tiếp (thấp hơn khoảng 23% giá FIT) cho một số doanh nghiệp. Hiện Bộ Công thương và các nhà đầu tư vẫn chưa đàm phán về giá mua bán điện gió chính thức.