Giáo dục nghề nghiệp vẫn khó tuyển sinh

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề giỏi là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là khâu tuyển sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên trong giờ thực hành tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Sinh viên trong giờ thực hành tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Tuyển sinh kiểu “lọt sàng xuống nia”

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công tác tuyển sinh của hệ thống GDNN trong 3 năm (2020-2023) trở lại đây đã có sự chuyển biến rất đáng ghi nhận. Tuyển sinh GDNN giai đoạn 2020-2023 có lúc lên đến 8,4 triệu người.

Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng khoảng 760.000 người, trình độ trung cấp hơn 1,1 triệu người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 6,5 triệu người. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong tuyển sinh nhưng hiện giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp trở ngại lớn, nhất là nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, chưa coi trọng kỹ năng khi phát triển sự nghiệp, số lượng lao động có trình độ và tay nghề cao vẫn thấp, tỷ lệ lao động trình độ sơ cấp vẫn chiếm tới 77,3% (6,5 triệu người).

Cũng có chung đánh giá, tỷ lệ lao động có tay nghề cao thấp đang là “rào cản” để thực hiện yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của Việt Nam chỉ là 27%. Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. “Ngoài việc năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực, trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam còn thấp, chủ yếu là THCS với 67%. Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao với 75%. Những con số thống kê này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho người lao động”, ông Lê Huy Nam nói.

Ông Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn có yếu kém, chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo vẫn còn nhiều yếu tố chưa cập nhật; mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chủ yếu mới ở việc tạo điều kiện cho học viên thực tập, tham quan, ít tham gia đổi mới nội dung, chương trình đào tạo. “Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh, vướng mắc trong triển khai dạy văn hóa; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều người tham gia vào các ngành nghề kỹ thuật cao...”, ông Nam khẳng định.

Việc thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề, lao động chất lượng theo đại diện nhiều cơ sở GDNN nguyên nhân chính của thực trạng trên xuất phát từ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Quy chế cho phép một trường đại học có 5-6 phương thức xét tuyển và thí sinh được đăng ký “n” nguyện vọng vào đại học, nên rất khó để trượt. Chính vì thế, nhiều trường nghề phải “gặt lúa non” bằng cách tuyển học sinh tốt nghiệp THCS hoặc phải đợi “lọt sàng xuống nia”.

Mặc dù những năm gần đây, phụ huynh và học sinh đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về học nghề, nhưng tuyển sinh trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguồn cho giáo dục nghề nghiệp gần như không còn. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng: “Nguồn nhân lực dường như đang tập trung chính vào bậc ĐH gây nên sự mất cân đối và khiến đầu vào của giáo dục nghề nghiệp rất thấp cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Giải pháp nào để có đủ nguồn nhân lực chất lượng?

Tại Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” do Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng GDNN cho rằng, để giải quyết “bài toán” nhân lực có tay nghề, các cơ sở GDNN cần mạnh dạn triển khai mô hình “1+1+1” Trường học - Trung tâm đào tạo - Hiện trường sản xuất. Bởi theo vị này, tại một số địa phương đã làm tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, đặc biệt đã hình thành mô hình “1+1+1” với cơ chế “5 cùng”, cùng đào tạo nhân tài, cùng sử dụng tài nguyên, cùng quản lý quá trình, cùng gánh vác trách nhiệm và cùng hưởng thành quả.

Mô hình “1+1+1” thực hiện làm 3 giai đoạn và phân kỳ hiệu quả, giúp học sinh nhanh chóng giỏi kỹ năng nghề nghiệp, khi giai đoạn 1 (năm thứ nhất) các em sẽ học tại trường học, học các môn học, mô-đun cơ sở và hướng dẫn định hướng nghề nghiệp.

Ở giai đoạn 2 (năm học thứ 2) học sinh học tại trung tâm đào tạo: Tại đây sinh viên sẽ tham gia khóa học tập, huấn luyện kỹ năng chuyên ngành, học tập kết hợp với thực hành để hình thành tố chất nghề nghiệp, được vận hành, thao tác các thiết bị sản xuất và rèn luyện tác phong công nghiệp.

Giai đoạn 3 (năm học thứ 3) là học tại hiện trường sản xuất. Giai đoạn này giúp sinh viên thích ứng với vị trí làm việc nhằm xác định rõ mục tiêu phát triển; rèn luyện, nâng cao kỹ năng nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thực tập làm quen với vị trí việc làm sau này.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Trước những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề, nhân lực chất lượng cao, Bộ đang cho rà soát lại hệ thống, để từ đó có cơ chế để đầu tư, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách hiệu quả hơn. “Thời gian tới, sau rà soát toàn hệ thống, một số ngành, lĩnh vực sẽ được tập trung đầu tư đào tạo. Song song đó, hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS sẽ được đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp mới. Chắc chắn Bộ LĐ-TB&XH sẽ có tham mưu với Ban cán sự đảng, Chính phủ và Ban Bí thư về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nêu kinh nghiệm thúc đẩy tuyển sinh đầu vào: “Ngay khi sinh viên nhập học, trường sẽ khảo sát sinh viên có mong muốn làm việc trong nước hay nước ngoài, kỳ vọng gì về cơ hội phát triển nghề nghiệp, từ đó kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp vào trường cùng hướng nghiệp, cùng đào tạo và giải quyết các khâu trong đào tạo”.

Theo TS Ngọc, tham vọng và ý chí của các trường về đào tạo nhân lực chất lượng cao là rất lớn nhưng chưa thực hiện được vì thiếu nguồn lực. “Nhà nước nên đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Cần so sánh, tham chiếu với khung trình độ của khối ASEAN và quốc tế, làm sao để đánh giá được, công nhận được”. Ngoài ra, TS Ngọc mong muốn Nhà nước có cơ chế linh hoạt cho các cơ sở GDNN để các trường được tự chủ về nhân sự và bộ máy, tự chủ về nhiệm vụ trên nguyên tắc tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, có hậu kiểm, giám sát, thanh tra, kiểm tra..., từ đó việc đào tạo nhân lực tay nghề cao sẽ thuận lợi hơn.

Trước những đóng góp của các cơ sở GDNN, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Quốc hội sẽ tăng cường giám sát, đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn, tham mưu sâu sát cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá thực trạng triển khai xem vướng mắc ở khâu nào, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào. Từ đó có kiến nghị, đề xuất giải pháp”.

Mỗi năm cả nước có trên dưới một triệu thí sinh tốt nghiệp THPT, trong đó chỉ còn 200.000 thí sinh là không vào đại học. Nếu dành toàn bộ số lượng này cho trường nghề, thì với hơn 2.000 cơ sở GDNN, chia ra mỗi trường không được 100 thí sinh.