Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019)

Giải phóng thành đô

Chuyện kể về những ngày cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 hành quân từ bờ nam sông Bến Hải vào miền Đông Nam Bộ, giải phóng hoàn toàn miền nam của Đại tá Vũ Thang, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 341 như những thước phim lịch sử hào hùng, sống động.

Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón các chiến sĩ giải phóng. Ảnh tư liệu
Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón các chiến sĩ giải phóng. Ảnh tư liệu

Khí thế của đoàn quân

Theo lời kể của Đại tá Vũ Thang, ngày 23-11-1972, tại dãy núi Đại Huệ (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Quân khu 4 thành lập Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) gồm các trung đoàn 273, 270, 266, Trung đoàn pháo binh 55 theo hướng chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến. Cán bộ chỉ huy là đồng chí Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng, Trần Nguyên Độ làm Chính ủy sư đoàn, các đồng chí Bảo Cường, Phạm Thành Minh làm Sư đoàn phó và Phó Chính ủy. Ngày 25-1-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 vào Nam Bộ trong đội hình Quân đoàn 4. Toàn sư đoàn đã được xác định đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng.

Sau khi nhận lệnh, Ban Chỉ huy Sư đoàn đã triển khai công việc cần kíp, cử các đồng chí Vũ Thang, Tham mưu trưởng; Phạm Tiến, Trưởng ban Quân lực; Hoàng Đăng Lâm, Trưởng ban Công binh vào Đoàn 559 để hợp đồng xe vận chuyển sư đoàn vào nam với Quân đoàn 4. Lúc này, chỉ huy Đoàn 559 dừng chân ở thôn Cẩm Sơn và An Nha thuộc xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị (bờ nam sông Bến Hải). Căn cứ vào số quân, trang thiết bị, đạn dược, khí tài, hậu cần, chỉ huy quyết định xin 500 xe tải (mỗi xe chở một trung đội). Các đồng chí Đoàn 559 đã ưu tiên đưa đoàn vận tải cơ giới 571 với 500 xe tốt nhất. Đúng ngày 15-2-1975 đoàn xe lăn bánh. Ông Vũ Thang còn nhớ lúc đó đã ghi vào tờ giấy Sư đoàn 341 vượt sông Bến Hải - giải phóng miền nam!

Ông Vũ Thang vẫn in đậm hình ảnh chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Sư đoàn 341 cùng Sư đoàn 7 được giao tiến công đánh sập tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh, cửa ngõ vào Sài Gòn - Gia Định. Từ trận đánh mở màn ngày 9-4-1975, sau 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân ta cắm cờ giải phóng. Ngày 22-4, chỉ huy đơn vị thông báo: “Ngày 21-4, địch đã rút chạy, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Xuân Lộc, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức”. Niềm phấn khởi tràn dâng trong tâm hồn, đến nỗi ông phải nói: “Chúng tôi nhảy lên ôm nhau vui sướng và được quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị: triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh, quyết tâm giải phóng Sài Gòn và giải phóng miền nam trước ngày 19-5”. Công việc của các đơn vị lúc này là củng cố lại lực lượng, trang bị thêm cho đủ cơ số đạn, chuẩn bị hành quân đánh trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thời khắc lịch sử giải phóng miền nam

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với 15 sư đoàn chính quy, hình thành năm mũi nhọn tiến công khi tính toán chọn điểm đột phá và đơn vị đánh đột phá. Điểm mặt 15 sư đoàn thì đơn vị nào cũng đã phải đánh từ bắc vào nam hoặc từ tây sang đông, duy chỉ có Sư đoàn 341 mới vào tới đây vừa tham gia mở cánh cửa thép của phòng tuyến Xuân Lộc, với quân số đông, trang bị mới, sức khỏe tốt, kỷ luật nghiêm… được cấp trên quyết định chọn làm đơn vị đột phá. Đó là cứ điểm Trảng Bom. Từ đây phát triển theo trục đường số 1 tiến vào Biên Hòa, Sài Gòn.

Đúng 4 giờ ngày 27-4, lệnh nổ súng tiến công Trảng Bom được phát đi. Những cầu vồng lửa vút lên tới tấp giáng xuống bảy trận địa pháo địch. Cùng lúc các loại pháo đi cùng bộ binh cũng tới tấp giáng xuống các mục tiêu. Trảng Bom chìm ngập trong trận mưa pháo. Bảy trận địa pháo địch câm ngay từ những loạt đạn đầu của ta. Lực lượng Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 phát triển đánh mạnh vào trung tâm Trảng Bom. Các ổ đề kháng, lô cốt địch lần lượt bị san bằng. Trong khi các mũi đang phát triển thuận lợi thì tổ thọc sâu của Tiểu đoàn 5 lao thẳng vào trung tâm. Sau chín giờ đồng hồ chiến đấu quyết liệt, đến 14 giờ cùng ngày (27-4) ta làm chủ hoàn toàn Trảng Bom và cả đoạn đường dài 15 km từ ấp Hưng Nghĩa về Trảng Bom.

Quyết tâm chiến đấu giải phóng Biên Hòa đã được Bộ Tư lệnh Sư đoàn thông qua là Trung đoàn 273 vòng đánh từ Hốc Bà Thức vào Sân bay Biên Hòa. Trung đoàn 270 đánh thẳng từ đường số 1, đường sắt. Trung đoàn 266 làm lực lượng dự bị tiến sau Trung đoàn 270.

Đêm 29-4 ta hoàn toàn giải phóng Biên Hòa. Các trung đoàn của Sư đoàn 341 phát triển về hướng Dĩ An, Thủ Đức, Sài Gòn… Riêng Trung đoàn 266 đi đường qua Châu Thới về Thủ Đức vào Sài Gòn. Tiểu đoàn 3 và sáu xe tăng làm nhiệm vụ thọc sâu tiến về xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đi cùng Sư đoàn 7 tiến vào Sài Gòn. Một đội hình đi đầu gồm xe tăng và bộ binh Trung đoàn 273.

Đến hơn 12 giờ trưa 30-4 vào đến Dinh Độc Lập. Theo sau nữa là một bộ phận đội hình xe tăng và bộ binh Trung đoàn 266, Trung đoàn 270... Niềm vui dâng trào lan truyền đến mọi chiến sĩ khi trên các ngả đường Sài Gòn rất đông những người dân già trẻ lớn bé đứng hai bên đường vẫy tay chào đón đoàn quân giải phóng! Trong khí thế hào hùng như thế, không gian vang lên bài hát “Bác cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác. Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người. Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời… Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca”. Hạnh phúc nào bằng được thấy miền nam hoàn toàn giải phóng!

Ký ức sáng mãi

Cựu chiến binh Hoàng Châu biên chế Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Năm 1972, là học sinh Trường cấp 3 Diễn Châu, Nghệ An, ông đã xung phong vào bộ đội khi mới 16 tuổi. Nhìn sự hăm hở trên gương mặt của người lính trẻ, ban tuyển quân đã ghi tên Hoàng Châu vào danh sách chiến sĩ tòng quân đánh giặc vào tháng 9-1972. Không chỉ có Hoàng Châu mà còn nhiều thanh niên khác đã giấu tuổi, tìm cách tăng số cân (bằng cách nhét những cục gạch vào trong người)… để được ra trận! Thật nức lòng khi ở trường cấp 3 nào ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… đều khắc dòng thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai” lên bức tường ngay cổng vào trường.

Ngày lên đường tòng quân đã tới, Hoàng Châu được bổ sung vào Sư đoàn 341. Những ngày trên thao trường luyện tập theo hướng dẫn của cán bộ, người chiến sĩ cùng các bạn tân binh đã chấp hành đúng nội quy, điều lệnh; được huấn luyện tốt trong chiến đấu tiến công, phòng ngự trong tiếp quản thành phố, thị xã. Biết sử dụng vũ khí trang bị cho đại đội như cối 60, B40, B41, trung liên, tiểu liên… Huấn luyện cho mọi người biết bắn điểm, bắn phát một, bắn trong tư thế đứng, quỳ, nằm… biết độc lập chiến đấu, chiến đấu trong tổ ba người, biết giúp nhau, chia sẻ cho nhau từ miếng cơm vắt, quả lựu đạn, viên đạn, tự cấp cứu…

Mới đầu còn lạ lẫm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ai nấy đều thành thục. Những trận đánh vang dội của bộ đội ta nơi chiến trường miền nam dội về càng làm cho lòng những người lính trẻ náo nức muốn lên đường ngay để quét sạch quân thù ra khỏi đất nước. Ngày đó cũng tới, các chiến sĩ Sư đoàn 341 được đoàn xe của Đoàn 559 vượt Trường Sơn, vượt 2.200 km vào miền nam. Trong trận chiến giải phóng Xuân Lộc, bom Mỹ dội xuống đã phủ trùm đất đá, cây cối lấp vùi lên người Hoàng Châu và sau nhiều giờ đào bới, những người đồng đội mới đưa Hoàng Châu ra được. Quân y xác định Hoàng Châu là thương binh hạng 4/4.

Người đồng đội cùng đơn vị với ông Hoàng Châu bây giờ là cựu chiến binh - thương binh Lê Mỹ Hảo. Với ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ tháng 10-1974, khi còn là sinh viên khóa 17 Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, ông Hảo xung phong đăng ký trở thành một chiến sĩ thuộc Sư đoàn 341. Ông cùng đồng đội hành quân vào nam. Qua nhiều trận chiến quyết liệt đã tiến về giải phóng Sài Gòn. Tháng 2-1978 mìn của bọn Pôn Pốt - Iêng xary đã làm cụt cả đôi chân, gãy bàn tay phải khi ông cùng đồng đội bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Ông là thương binh hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật 85%.

Ông Vũ Thang nhớ lại: “Ngày ấy, có nhiều bức thư viết bằng máu thể hiện quyết tâm sẵn sàng vì miền nam ruột thịt. Nhiều gia đình đưa người con trai duy nhất vào nam chiến đấu đến ngày toàn vẹn lãnh thổ”. Đúng 44 năm trước Bộ đội Cụ Hồ đã hùng dũng tiến vào giải phóng Sài Gòn! Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta.