Giai điệu ký ức

Đã có rất nhiều sáng tác về những con người hiến dâng cả máu xương, tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, nổi bật và có sức lan tỏa rộng và mạnh mẽ là ca khúc Ðất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, là khúc tráng ca Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến-phổ thơ Nguyễn Đức Mậu, là ca khúc Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến, là bài hát Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền…
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông". Ảnh: Anh Sơn
Một tiết mục trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông". Ảnh: Anh Sơn

NHƯ trang nhật ký của người lính, ca khúc Màu hoa đỏ là sự ghi nhớ về sự hy sinh "rực lửa" bằng những ca từ và giai điệu hết sức sâu lắng và xúc cảm của nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi. Mây ngàn hóa bóng cây che. Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo"… Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhạc bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sau những lần cùng ôn những kỷ niệm ở chiến trường, nhớ về những đồng đội kẻ còn người khuất và đặc biệt tiếc thương những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường do chính mình chôn cất mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế, thơ và nhạc của ca khúc Màu hoa đỏ là cách để nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu "trả nợ" những đồng đội đã hy sinh. Trong ký ức của hai người lính ấy, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng. Không chỉ với giai điệu và hình ảnh về người lính, ca khúc Màu hoa đỏ còn thể hiện hình ảnh một người mẹ vĩ đại: Mẹ của người lính-Mẹ Tổ quốc.

Cũng trong từng tháng 7, giai điệu tha thiết của bài hát Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền lại vang lên nhiều hơn. Đặc biệt, ca khúc Cỏ non Thành cổ không chỉ gợi nhắc một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc mà còn là "nén nhang viếng người nằm dưới cỏ" của những người đang được thụ hưởng cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam. Khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, năm 1989, Sở Văn hóa mời các nhạc sĩ về xây dựng chương trình cho Đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh mới được thành lập. Một sớm mai, nhạc sĩ Tân Huyền nghe nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi ấy đang ngồi làm việc ở tòa soạn Tạp chí Cửa Việt sát bên Thành cổ Quảng Trị, nói: "Cỏ lên xanh đẹp thế này nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới…". Với một sự xúc động mạnh mẽ ùa đến, cái tứ của bài hát Cỏ non Thành cổ đã bật ra trong cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ Tân Huyền: Cái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất. "Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ/ Khi chồng con không trở về/ Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình". Trong mạch cảm xúc sáng tác của nhạc sĩ Tân Huyền còn có sự xúc động của một "người trong cuộc"- ông có người em trai đi bộ đội, chiến đấu ở miền nam và từ ngày người em đi, chiều nào người mẹ già của ông cũng đứng tựa cửa ngóng trông con nhưng em trai của ông đã không bao giờ trở về. Đoạn ca từ "Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ/ Khi chồng con không trở về" khắc họa chính hình ảnh người mẹ già của nhạc sĩ. Nhạc sĩ Tân Huyền đã từng chia sẻ, viết được ca khúc Cỏ non Thành cổ là ông cảm thấy thanh thản hơn bởi trong cái chung ông vẫn nói được tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh và với người mẹ đã khuất của mình. Bằng ca khúc Cỏ non Thành cổ, nhạc sĩ Tân Huyền gửi tới người nghe thông điệp nhân văn sâu sắc: dân tộc Việt Nam từng trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt để giành lại độc lập, tự do, thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên rằng cuộc sống yên bình, tươi xanh đã được đánh đổi bằng bao máu xương của đồng bào, chiến sĩ. Nhạc sĩ Doãn Nho đã đánh giá, Cỏ non Thành cổ là "một trong những ca khúc viết về chiến tranh hay nhất, giản dị tới mẫu mực..."…

Cũng với cảm hứng sáng tác về những con người đã hy sinh vì độc lập và tự do của đất nước, ca khúc Dòng sông hoa đỏ của nhạc sĩ Võ Thế Hùng-nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ngợi ca những liệt sĩ đã ngã xuống nơi Thành cổ Quảng Trị. Theo một nhà báo tên tuổi gắn bó sâu sắc với Quảng Trị, nhạc sĩ Võ Thế Hùng đã rất thành công khi ca khúc Dòng sông hoa đỏ làm người nghe có cảm giác bài hát như lời ru của người mẹ Việt Nam và cũng là tiếng khóc của những người mẹ Việt Nam suốt mấy mươi năm trông ngóng mà con chưa về. Trong bài hát có nước mắt, có tiếng khóc nhưng không hề bi lụy mà rất bi hùng và lãng mạn như một khúc tráng ca: À ơi, ơi à. Bao năm qua sông Thạch Hãn đầy vơi như lòng mẹ khôn nguôi thổn thức. Bao năm qua dưới chân Thành cổ, các anh hùng tuổi hai mươi ngã xuống. Hồn quyện gió mây, máu hòa Thạch Hãn. Hờ hơ, Hơ hờ hớ hơ .. hờ. Hờ hớ hờ .. hờ. Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông. Ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu. Trên dòng sông hoa đỏ bập bềnh trôi, màu hoa lửa cháy lên niềm thương nhớ. Những giọt máu mang hình hài con mẹ, chảy vào lòng Thạch Hãn rưng rưng…

Những sáng tác về sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc luôn được cất cao, và đặc biệt gợi thật nhiều cảm xúc vào mỗi tháng 7, như sự âm vang của tấm lòng tri ân vô bờ bến đối với những con người đã xả thân, quên mình vì nước, vì dân.