Giải bài toán giá vàng

Một chuyên gia đã làm việc trong Hội đồng Vàng thế giới (WGC) khoảng 30 năm cho biết: Thị trường vàng Việt Nam là trường hợp cá biệt, không quốc gia nào có chênh lệch với giá thế giới lớn như vậy.
0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng trong nước có thời điểm lên đến hơn 80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước có thời điểm lên đến hơn 80 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng trong nước biến động mạnh và vượt xa giá vàng thế giới đã ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Vì vậy, yêu cầu cấp bách là phải giảm chênh lệch giữa hai thị trường. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất bỏ độc quyền vàng SJC, tín hiệu tích cực xuất hiện. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Giá vàng SJC có thời điểm cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng

Trong suốt thời gian dài qua, thị trường vàng có hai rủi ro lớn luôn tiềm ẩn, đó là giá vàng SJC quá cao so với giá vàng thế giới và khoảng cách giữa giá bán ra - mua vào SJC rất lớn. Trong đó, chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới “nổi trội” hơn cả.

Cuối năm 2021, giá vàng SJC giao dịch phổ biến ở mức 60 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới trao đổi ở mức 1.850 USD/ounce. Như vậy, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 10 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm đó, đây là mức chênh lệch rất cao.

Tuy nhiên, theo thời gian, mức chênh này không những không giảm xuống mà còn liên tục được điều chỉnh tăng. Đỉnh điểm là khoảng giữa năm 2022, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng và giao dịch phổ biến ở mức 67,60 triệu đồng/lượng - 68,20 triệu đồng/lượng. Tới cuối năm 2023, mức chênh 20 triệu đồng/lượng lại xuất hiện.

Cùng với tình trạng giá vàng “nóng” hầm hập là hiện tượng người dân tăng cường mua vào, đặc biệt trong ngày vía Thần Tài (mồng 10 tháng Giêng). Vàng được chú ý nhiều hơn khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm xuống mức rất thấp, còn những kênh đầu tư khác như bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong những tháng đầu năm 2024, dù suy giảm một chút nhưng chênh lệch này vẫn duy trì ở mức rất cao, trên dưới 17,5 triệu đồng/lượng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá khoảng cách này có thể gây ra rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngày 20/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 22 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong công điện, Thủ tướng đánh giá thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Một trong những yêu cầu mà Thủ tướng đưa ra chính là đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để “xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao”.

Mục tiêu là không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần đề cập tới vấn đề phải giảm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam đã đưa ra lý giải cho việc giá vàng SJC tăng quá cao, vượt xa giá thế giới. Đó là chịu tác động bởi cung - cầu trong nước.

Theo ông Khánh, 10 năm nay Nhà nước không cho sản xuất thêm một lượng vàng nào nữa. Các công ty vàng phải đưa ra giá cao để khuyến khích người dân bán nhưng người dân vẫn không bán, nên giá cao như vậy. Ông Huỳnh Trung Khánh chia sẻ rằng, ông đã làm việc trong Hội đồng Vàng thế giới (WGC) khoảng 30 năm, nên biết thị trường vàng Việt Nam là trường hợp cá biệt, không quốc gia nào có chênh lệch với giá thế giới lớn như vậy.

Tối 20/3/2024, tại cuộp họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đánh giá nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.

Phó Thống đốc cho biết thêm, giải pháp “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá vàng trong nước cao vượt trội so với giá thế giới chính là việc độc quyền sản xuất vàng SJC dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, muốn xử lý được vấn đề này, phải tác động tới nguồn cung vàng.

Trong cuộc họp, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.

Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ. Ngay sau khi thông tin này được công bố, tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Từ ngày 21/3, giá vàng đồng loạt giảm rất sâu. Tới cuối tuần, kim loại quý này phục hồi nhưng vẫn thấp hơn “đỉnh” 81,8 triệu đồng/lượng rất nhiều.

Cụ thể, đóng cửa tuần (từ ngày 18/3 tới 24/3), giá vàng SJC giao dịch phổ biến ở mức 78 - 80,30 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng thế giới dừng ở mức 2.164,5 USD/ounce. Ở mức này của vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt 64,94 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 15,36 triệu đồng/lượng. Trong những ngày gần đây, chênh lệch này phổ biến ở mức 17,5 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy, sau đề xuất của NHNN, chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thế giới đã giảm từ 17,5 triệu đồng/lượng xuống 15,36 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm khá mạnh, nhưng 15,36 triệu đồng/lượng vẫn là khoảng cách rất lớn.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, mức chênh giữa hai thị trường đạt khoảng 5 triệu đồng/lượng là hợp lý. Nếu “con số hợp lý” này đi vào cuộc sống thì giá vàng SJC sẽ đạt 70 triệu đồng/lượng, ngang bằng với giá vàng rồng Thăng Long. Và nếu điều này xảy ra, giá vàng SJC sẽ phải giảm 10,3 triệu đồng/lượng (tương đương tỷ lệ giảm 12,8%). Đây là đà điều chỉnh khá sốc và không dễ gì xảy ra.