Gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm

Trong thời điểm thời tiết đang giao mùa như hiện nay, ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như Adenovirus, sốt xuất huyết, cúm, hô hấp… đang gia tăng mạnh, trong đó đã có một số trường hợp tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ sở y tế bảo đảm cơ sở vật chất để chăm sóc người bệnh.
Các cơ sở y tế bảo đảm cơ sở vật chất để chăm sóc người bệnh.

Chống lây chéo tại bệnh viện

Từ cuối tháng 8/2022 đến nay, Bệnh viện Nhi T.Ư đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm Adenovirus. Trong số các ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với Adenovirus, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có ba trường hợp tử vong tại ba quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức và Phú Xuyên. Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phát hiện gần 100 ca mắc Adenovirus. PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân-hè hoặc thu-đông. Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Điều đáng nói, virus này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao do sức đề kháng kém. Cũng theo lý giải của các bệnh viện, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa, nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60-70% số bệnh nhi đến khám.

Trước tình trạng quá tải bệnh viện, kéo theo nguy cơ lây nhiễm chéo, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mà nhiễm thêm virus Adeno sẽ có nguy cơ tử vong cao. Do đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không để người bệnh nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như: đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.

Ngoài Adenovirus, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, với gần 800 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 3.800 ca mắc, trong đó có năm ca tử vong. Tại các bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn… số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú cũng đang gia tăng đột biến.

Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, riêng với bệnh sốt xuất huyết, năm nay tỷ lệ các ca bệnh nặng nhiều hơn. Không ít trường hợp mắc bệnh, số lượng tiểu cầu giảm nhanh, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng (chiếm khoảng 10% số bệnh nhân đến khám). Bệnh viện đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào khung giờ cao điểm.

Gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ảnh 1

Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu dân cư. Ảnh: NGUYỆT ANH

Bảo đảm cơ sở vật chất khám, chữa bệnh

Hiện tại, Bệnh viện Nhi T.Ư đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, bảo đảm mỗi trẻ một giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng quy định tiêu chí để phân loại. Theo đó, những trường hợp nhẹ như đã hết sốt, không suy hô hấp... sẽ được chuyển xuống tuyến dưới. Bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng, như: khó thở, suy hô hấp, giảm oxy máu, dấu hiệu toàn thân nặng, có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch...

Trước tình trạng các bệnh viện quá tải khiến người dân lo lắng về nguy cơ lây nhiễm chéo, nhất là trước sự xuất hiện của Adenovirus, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bác sĩ chỉ định trẻ được điều trị tại nhà thì cha mẹ có thể yên tâm theo dõi và chăm sóc. Khi trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường, cha mẹ cần trực tiếp liên lạc với đường dây nóng của bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Trước tình hình số lượng ca mắc Adenovirus nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus. “Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt. Đặc biệt, tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến T.Ư nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh”, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về phòng, chống lây nhiễm bệnh do Adenovirus để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Sở Y tế cũng giao cho Bệnh viện đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm), Bệnh viện đa khoa Saint Paul (chuyên khoa đầu ngành nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus cho các đơn vị trong ngành.

Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu đơn vị này phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do Adenovirus, đồng thời đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống phù hợp điều kiện của Hà Nội. “CDC Hà Nội hướng dẫn, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do Adenovirus, không để bùng phát, kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh”, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do Adenovirus, kịp thời tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống; đồng thời điều tra dịch tễ, xử lý khi xuất hiện ca bệnh lây lan tại cộng đồng, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.

Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh do Adeno virus, trong đó tập trung vào các nội dung như triệu chứng nhận biết khi mắc bệnh; khai báo tình trạng mắc bệnh của bản thân, người nhà và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, gồm: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà-phòng và nước sạch, che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...

Không tùy tiện đi xét nghiệm Adenovirus

Trước tình trạng hiện nay, nhiều phụ huynh đưa con đi xét nghiệm Adenovirus, vừa gây tốn kém lại lãng phí, bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện đa khoa Saint Paul) khuyến cáo: “Việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thật sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus. Do đó, không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm. Adenovirus cũng giống các loại virus khác, hiện không có thuốc đặc trị mà triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Với những trường hợp này thì việc xét nghiệm là không cần thiết. Còn với những ca bệnh nặng, dựa vào kết quả xét nghiệm có thể là cơ sở để bác sĩ đưa ra chỉ định sử dụng thuốc kháng virus.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý cho con đi xét nghiệm, tránh gây lãng phí, tốn kém. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách và cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nên cho trẻ tiêm vaccine “6 trong 1”, vaccine phế cầu và cúm để không bị lây nhiễm thêm bệnh”.