Đó là những nhân viên y tế dù đã nhiều ngày không về thăm gia đình, nhưng vẫn quyết tâm trụ lại với lời nhắn “Khi nào hết dịch mẹ về”, “Hết dịch về xin lỗi mẹ, vì để mẹ phải lo lắng” và ao ước “Hết dịch về nhà ăn cơm mẹ nấu”; là cán bộ chốt kiểm dịch tham gia chống dịch đến mức như không còn sức lực; là tiếng kèn saxophone của một nghệ sĩ đeo khẩu trang đêm khuya đến biểu diễn trước bệnh viện dã chiến; là hộp cơm, chiếc bánh, chai nước dành cho người cơ nhỡ; là đoàn xe từ thiện chở nhu yếu phẩm đến giúp bà con vùng dịch. Là các chiến sĩ công an, bộ đội, dân phòng ngày đêm túc trực từ biên giới đến các chốt kiểm dịch tại nhiều thành phố, làng xã; là hình ảnh người dân đem tiền tiết kiệm của gia đình ra đứng bên đường phân phát cho người nghèo; là doanh nhân cho mượn nhà cửa, đất đai xây dựng bệnh viện dã chiến… Nhiều lắm, nhiều lắm những con người với vô vàn việc làm, hành động tích cực để vào lúc khó khăn càng thấu hiểu về trách nhiệm của chính quyền với nhân dân; tấm lòng của người dân với chính quyền, của đồng bào với đồng bào, như ca từ của một bài hát: “Qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau”!
Tuy nhiên, báo chí và mạng xã hội không chỉ biểu dương, ca ngợi những việc làm tốt, những tấm gương đẹp mà còn phê phán, bất bình, thậm chí phẫn nộ với hành vi cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, cố tình lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, trục lợi. Phổ biến nhất là ở nơi công cộng còn có nhiều người không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy cách, không chấp hành yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh, không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người, đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, ngang nhiên ra đường tập thể dục, đi câu cá, chơi golf… Nghiêm trọng hơn là tình trạng cố tình vi phạm pháp luật và quy định phòng, chống dịch, bất chấp sự an nguy của chính bản thân mình và toàn xã hội như vượt chốt kiểm soát, khi bị nhắc nhở thì chửi bới, hành hung lực lượng chức năng; làm giả giấy tờ; nhập lậu bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 để rao bán trên mạng; mạo danh “chuyến xe 0 đồng” nhằm thu lợi bất chính; trốn khỏi khu cách ly; tụ tập đánh bạc; ăn nhậu… Con số chỉ trong 11 ngày kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, cơ quan chức năng xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã cho thấy hiện tượng còn rất phức tạp, nhiều người vẫn còn thiếu ý thức trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân họ cũng như với sức khỏe của cộng đồng.
Trong khi đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, sự chủ quan, tùy tiện của một người có thể phá hủy nỗ lực phòng, chống của nhiều người, đưa tới hiểm họa không thể lường hết. Vì thế, mỗi người dân cần ý thức nâng cao trách nhiệm cá nhân, không vi phạm pháp luật và quy định phòng, chống dịch, ủng hộ và tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của xã hội phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người cần chấp nhận hy sinh những lợi ích cá nhân, từ bỏ một số thói quen, nhu cầu cá nhân trong một thời gian và làm theo lời kêu gọi “Lan tỏa năng lượng tích cực: Sống lạc quan, suy nghĩ tích cực”!