Với dẫn chứng cụ thể, xác thực, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai tại phiên tòa xác định Trương Châu Hữu Danh và các đối tượng trong vụ án đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video trong đó sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng với sự thật, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên Facebook, YouTube. Bản chất của các hành vi này là làm cho người đọc, người xem hiểu lầm, hiểu sai về sự thật,… tạo cơ hội cho một số kẻ lợi dụng bình luận tiêu cực, hòng kích động, lôi kéo một bộ phận người dân thiếu thông tin, hiểu biết hoặc còn nhận thức lệch lạc có các hành vi, thái độ chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định và tác động tiêu cực tới lòng tin trong nhân dân… Tại phiên tòa, bên cạnh việc nêu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, các luật sư cũng thừa nhận rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức. Đồng thời các bị cáo cũng đã nhận thức rõ về hành vi phạm tội, tỏ sự hối hận, xin giảm nhẹ hình phạt. Từ đánh giá khách quan, toàn diện, Hội đồng xét xử đã cân nhắc, có tính đến các yếu tố giảm nhẹ.
Diễn biến dân chủ, công khai của quá trình xét xử cũng như ý kiến tranh tụng của luật sư tại phiên tòa đã được báo chí Việt Nam tường thuật khách quan, cụ thể, mức án được tuyên phạt nhận được sự đồng tình của dư luận, khẳng định là hợp lý, hợp tình, vừa có tính răn đe vừa thể hiện sự khoan hồng của luật pháp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc một số tổ chức tự nhận là “Theo dõi nhân quyền” (HRW), “Ủy ban bảo vệ nhà báo” (CPJ), “Phóng viên không biên giới (RSF) và các địa chỉ truyền thông như BBC, RFA,… la lối thất thanh về phiên tòa cũng không có gì lạ. Bởi nhiều năm nay, đó là các tổ chức, địa chỉ truyền thông thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam luôn cố tình đổi trắng thay đen để đánh đồng tư cách Facebooker (người dùng Facebook), YouTuber (người dùng YouTube) với tư cách nhà báo, rồi dựa vào đó để vu cáo Việt Nam. Cũng thiết nghĩ, lẽ ra trước khi đưa ra ý kiến, các tổ chức, địa chỉ truyền thông, cá nhân kể trên nên tham khảo điều bị cáo Trương Châu Hữu Danh đã nói trước phiên tòa: “Đối với những bài viết được xác định là sai, bị cáo cảm thấy mình có lỗi. Bị cáo nhận sai, xin lỗi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái sai của mình”!