Vi phạm pháp luật phải xử lý trên cơ sở pháp luật

Ngày 28/5/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra Quyết định số 04/ANĐT-Đ2 truy nã đặc biệt đối với bị can Lê Văn Dũng (Dũng Vova) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự (2015).

Hơn một tháng sau, ngày 30/6/2021, Lê Văn Dũng đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội). Ngay sau khi Lê Văn Dũng bị bắt giữ, các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF), Bảo vệ nhà báo (CPJ), Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức nhân quyền Article 19 tại Anh,… lập tức gán cho Lê Văn Dũng mấy thứ nhãn hiệu vô giá trị, rồi thi nhau kêu gào đòi cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam phải “trả tự do”! 

Và ngày 23/3 vừa qua, Tòa án nhân dân Hà Nội đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Lê Văn Dũng 5 năm tù giam, quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự (1999). Cáo trạng tại phiên tòa khẳng định Lê Văn Dũng đã làm và đăng tải nhiều video clip có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Hội đồng xét xử đã nhận định đây là vụ án nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh quốc gia; Lê Văn Dũng là người có đầy đủ nhận thức và điều khiển hành vi, biết rõ việc làm là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý phạm tội. Trước đó, Lê Văn Dũng đã ba lần bị Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, song không ăn năn hối cải. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định cách ly bị cáo Dũng ra khỏi xã hội một thời gian, nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, theo một kịch bản đã diễn đến cũ mèm, sau khi bản án sơ thẩm đối với Lê Văn Dũng công bố, được sự phụ họa của BBC, VOA, RFA,… mấy tổ chức RSF, CPJ, HRW,… lại tiếp tục lên tiếng, gắn cho Lê Văn Dũng nhãn hiệu “nhà đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”, “nhà báo độc lập”, “nhà bất đồng chính kiến” để vu cáo, đòi Việt Nam “trả tự do ngay” cho Lê Văn Dũng”. Cách hành xử này không có gì mới và RSF, CPJ, HRW, BBC, VOA, RFA,… nên chấm dứt cái trò lố bịch quen thuộc diễn đã quá lâu và luôn bị dư luận lành mạnh chê cười. Bởi dù họ cố gắn cho Lê Văn Dũng hay người nào khác mấy thứ nhãn hiệu thì đó vẫn không phải là “lá bùa vạn năng” có thể bao che, biện hộ hành vi vi phạm pháp luật của Lê Văn Dũng, hoặc bất kỳ người nào họ muốn bảo vệ. 

Theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, công dân ở quốc gia nào phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó, không thể nấp dưới bất kỳ danh nghĩa nào để vi phạm pháp luật, và khi đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý trên cơ sở pháp luật. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch đã phổ biến trên toàn thế giới.