Tin tưởng, đoàn kết và thống nhất ý chí, hành động

Ngày 22/12/2021, để tổng kết năm 2021, trang mạng Visual Capitalist đã công bố bài “Hình dung về nền kinh tế thế giới 94 nghìn tỷ đô-la trong một biểu đồ” của Dorothy Neufeld-cây bút chuyên về đầu tư và kinh tế.

Trong bài viết, từ tổng sản phẩm trong nước (GDP) của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tác giả đưa ra một biểu đồ giúp người đọc hình dung về “nền kinh tế thế giới với 50 quốc gia hàng đầu” và trên biểu đồ này Việt Nam xếp thứ 41. Bài báo cho biết để xây dựng biểu đồ, tác giả Dorothy Neufeld đã dựa trên GDP năm 2021 từ dữ liệu và ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

So sánh với số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), biểu đồ này là hoàn toàn tương ứng. Và để hiểu cụ thể hơn, tiếp cận báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” do IMF công bố tháng 12/2021, sẽ thấy các đánh giá: “1. Dù số ca nhiễm, tử vong do Covid gia tăng trong tháng 11, nhưng nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu theo xu hướng giảm; 2. Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp; 3. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi có giảm trong tháng 10; 4. Lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế; 5. Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt, cân đối ngân sách tiếp tục có thêm một tháng thặng dư nhờ thu ngân sách tăng”. 

Tương tự, ngày 24/12, trang Sputniknews đã đăng bài “Kinh tế Việt Nam 2021: Gió đã đổi chiều” cho biết “Dự báo năm 2022 từ WB, ADB,… đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ… hướng đến dự báo cho năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế-tài chính, giới chuyên gia vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, thành tựu đạt được là từ “nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp, người dân cùng các quyết sách linh hoạt của Chính phủ đưa ra tùy từng thời điểm, hoàn cảnh, đáng ghi nhận nhất là chuyển từ tư duy “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh do Coronavirus gây ra”…

Còn rất nhiều đánh giá khách quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam đã được công bố song không thể trích dẫn qua một bài báo nhỏ. Và có thể nói, đánh giá của IMF, WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á),… là cơ sở quan trọng để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của mấy kẻ không muốn Việt Nam phát triển đã cố tình đưa ra cuối năm 2021 trên một số địa chỉ truyền thông thù địch, thiếu thiện chí. Đó cũng là yếu tố quan trọng để mọi người Việt Nam tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đoàn kết và thống nhất ý chí, hành động đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển.