Nếu chỉ đơn thuần tiếp xúc luận điệu này, người không theo dõi, nắm bắt bản chất vấn đề dễ ngộ nhận là điều ghê gớm lắm. Còn đã biết thái độ thù địch, thiếu thiện chí của mấy địa chỉ truyền thông kể trên thì không khó nhận ra đó chỉ là vệt kéo dài của cái gọi “tiêu chuẩn kép”, phớt lờ sự khác nhau giữa lành mạnh và xấu độc, phớt lờ yếu tố sống còn để mỗi doanh nghiệp tồn tại. Bởi:
Thứ nhất, từ hậu quả của việc Facebook bị lợi dụng biến thành nơi truyền bá các phát ngôn gây thù hận, kích động bạo lực, khuyến khích khủng bố, khiêu dâm, nội dung bất hợp pháp,… mà rất nhiều nước đã ban hành các đạo luật liên quan vấn đề này, nổi lên có Anh, Australia… Năm 2020, Quốc hội Pháp thông qua luật cấm phát ngôn thù địch trên mạng, trong đó xác định cụ thể việc buộc các nền tảng và công cụ tìm kiếm trong 24 giờ phải gỡ bỏ các nội dung mang tính công kích, như kích động thù hận, bạo lực, phân biệt chủng tộc, niềm tin tôn giáo mù quáng. Trước đó, năm 2019, Tòa án tối cao Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết xác định các tòa án trong EU có thể ra lệnh buộc Facebook phải loại bỏ nội dung bất hợp pháp, phát ngôn thù hận của người dùng trên toàn thế giới. Và không ngẫu nhiên người đứng đầu Facebook từng nhiều lần phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, như trả lời về cáo buộc “kìm hãm một số thông tin liên quan tới bầu cử để tạo ra sự thiên vị”… Các sự kiện đó cho thấy, việc Việt Nam yêu cầu Facebook tuân thủ luật pháp Việt Nam, xóa bỏ thông tin xấu độc liên quan Việt Nam trên mạng xã hội này không phải là trường hợp duy nhất, cá biệt.
Thứ hai, nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì trước hết Facebook vẫn tồn tại, phát triển với tính cách một doanh nghiệp lợi nhuận xuyên quốc gia, không phải một doanh nghiệp phi lợi nhuận. Và để tối ưu hóa lợi nhuận, Facebook luôn phải tiến hành các lựa chọn hợp lý sao cho không ảnh hưởng tiêu cực hoạt động kinh doanh, lợi nhuận không giảm sút. Vì thế, việc Facebook phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia để được phép hoạt động, không bị phạt,… là vấn đề không thể không đặt ra mỗi khi xem xét hoạt động của Facebook trên phạm vi toàn cầu.
Gần đây, sau nhiều bê bối, bị phạt các khoản tiền lớn, lại phải đối diện các cuộc điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật tại nhiều nước, Facebook bắt đầu có biện pháp “dọn rác” trên mạng xã hội này. Đặc biệt là Facebook mới thông báo mở rộng quy mô thử nghiệm việc giảm tin chính trị trên nền tảng của Facebook tại 75 quốc gia. Nếu được thực hiện nghiêm túc, các biện pháp này vừa phù hợp cam kết tôn trọng quyền tự do ngôn luận của Facebook, vừa là một bước đi bảo đảm quyền tự do ngôn luận vận hành lành mạnh, lương thiện. Qua đó có thể thấy, thực chất việc BBC, RFA, tổ chức khủng bố “Việt tân” hè nhau la lối, quy chụp Facebook “tiếp tay cộng sản Việt Nam” chỉ là biểu hiện của mối lo ngại rồi đây sẽ bị ngăn chặn, bị quản lý chặt chẽ trên một mạng xã hội mà lâu nay họ vẫn lợi dụng, sử dụng làm phương tiện để tuyên truyền chống phá Việt Nam.