Trong đó, dù đưa ra một số ý kiến thiếu thiện chí, nhưng David Brown vẫn phải kết luận: “Lịch sử Việt Nam đã được đánh dấu bằng sự thất bại của những kẻ ngoại bang tìm cách “bắt” Việt Nam làm bất cứ điều gì. Tôi tin tưởng rằng khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Tầm vóc của quốc gia này ở châu Á và trên thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của chính người Việt Nam trong việc mở rộng, phát triển các thể chế chính trị và xã hội. Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam có chung quan điểm đó”. Với kết luận này, David Brown phải công nhận trong lịch sử từ xưa đến nay, Việt Nam luôn giữ vững quyền tự quyết và tự chủ, luôn có ý thức tự lực, tự cường, không chấp nhận bất kỳ sự áp đặt nào từ bên ngoài, và nhân dân Việt Nam luôn đồng thuận, ủng hộ.
Trên thực tế, bài trả lời phỏng vấn David Brown được BBC công bố nhằm “đón lõng” một số sự kiện diễn ra tại Việt Nam sau đó, như: ngày 14/12, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 9 năm tù bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999; ngày 15/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Phương 10 năm tù, Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); ngày 16/12, TAND Nam Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đỗ Nam Trung 10 năm tù cũng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Và đúng như vậy, sau mỗi phiên tòa, BBC và một số địa chỉ truyền thông nước ngoài lập tức công bố đủ thứ thông tin, đại loại: “phương Tây chỉ trích”, nước này “lên án”, nước kia “lên tiếng”, nước nọ “quan ngại sâu sắc”, tổ chức X hay tổ chức Y “tuyên bố”… Họ rùm beng như thế chỉ nhằm mục đích là một mặt ca ngợi kẻ vi phạm pháp luật và cổ vũ ý kiến xâm phạm thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, một mặt kích động người không chú ý nắm bắt bản chất vấn đề sẽ bị ngộ nhận, rồi hùa theo họ.
Tuy nhiên, khi công bố ý kiến của David Brown: “Lịch sử Việt Nam đã được đánh dấu bằng sự thất bại của những kẻ ngoại bang tìm cách “bắt” Việt Nam làm bất cứ điều gì”, BBC đã thừa nhận thực tế là mọi sức ép từ bên ngoài không thể lay chuyển ý thức về quyền tự quyết, tự chủ của người Việt Nam. Hẳn vì thế, qua bài viết khác đăng ngày 17/12/2021, BBC phải đề cập “Quan điểm về nhân quyền của Việt Nam” và nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói chuyện với cộng đồng Việt Nam tại Anh: “Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN”. Thiết nghĩ, một số cơ quan ngoại giao và tổ chức đã phê phán Việt Nam xét xử mấy “nhà dân chủ” vừa qua cần thừa nhận điều đó để hiểu rõ và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.