Bất chấp thực tế phát triển và các thành tựu Việt Nam đạt được, nhất là trong lĩnh vực nhân quyền, bất chấp các đánh giá tích cực của rất nhiều tổ chức quốc tế có uy tín,… HRW luôn cố tình xuyên tạc, “bôi đen hiện thực”, rồi dựa vào đó vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nên không ngạc nhiên khi với cái gọi là “báo cáo hằng năm” công bố ngày 13/1/2022, HRW tiếp tục giọng điệu thù địch, bao che mấy kẻ đã lợi dụng nhân quyền chống phá đất nước, đưa ra “bức tranh đen tối” về Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19… Thậm chí, Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban châu Á của HRW còn lớn tiếng kêu gọi “các nhà tài trợ trên thế giới gây sức ép với lãnh đạo Hà Nội”!
Tuy nhiên, đúng thời điểm HRW đưa ra luận điệu như vậy thì rất nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới lại công bố các đánh giá ngược lại, đặc biệt là trong việc Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân-một trong các giá trị cao cả của nhân quyền. Như khi thăm, làm việc tại Việt Nam, trong cuộc gặp Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 10/1/2022, TS Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã đánh giá cao tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cũng như những nỗ lực của Việt Nam khi tiến hành tiêm chủng cho người dễ bị tổn thương và ở các khu vực khó khăn, khó tiếp cận. Ông nói: “Tôi rất ấn tượng với cố gắng của toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. Chiến dịch tiêm chủng theo phương pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng, thí dụ như cho người lớn tuổi hoặc có vấn đề y tế mà không thể đến được trung tâm tiêm chủng”. Đó là ý kiến khách quan, phản ánh đúng thực tế. Bởi, trong bối cảnh đến ngày 11/1/2022, 60% dân số thế giới được tiêm vaccine, thì dù còn rất nhiều khó khăn, đến ngày này ở Việt Nam đã có hơn 92% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cơ bản (mũi 1 là 78.413.199 liều, mũi 2 là 71.510.069 liều, mũi 3-bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala, là 13.610.414 liều), đang tiếp tục chiến dịch tiêm chủng bao phủ 100% dân số, bảo đảm tiêm chủng các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương… Và đó là một thành tựu to lớn về nhân quyền, không thể phủ nhận.
Chưa kể, về sự ổn định và phát triển của Việt Nam, những người ở HRW cũng cần tự vấn lương tri trước câu hỏi: Vì sao trong khi họ ra sức vẽ “bức tranh đen tối” về Việt Nam, thì các bảng xếp hạng du lịch nổi tiếng thế giới lại coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn? Thí dụ: kết thúc năm 2021, Trip Advisor-trang mạng về du lịch nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách 25 điểm du lịch phổ biến nhất châu Á, thứ 6 trong danh sách 25 điểm du lịch phổ biến nhất thế giới (sau Bali-Indonesia, London-Anh, Dubai-Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Rome-Italy, và Paris-Pháp). Còn tạp chí Time (Mỹ) thì bình chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang) vào danh sách 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới… Vì thế, nếu người ở HRW còn nấp bóng nhân quyền để can thiệp thô bạo vào việc nội bộ của các quốc gia, thì đối với họ, chỉ có kết luận duy nhất rằng: Tâm địa đen tối thì nhìn đâu cũng chỉ thấy đen tối!