Ca sĩ Phương Thanh với những kỷ niệm Trường Sa:

“Dùng” cái tôi cho có ý nghĩa hơn

7 lần ra với Trường Sa, khi hỏi “Phương Thanh có bị bớt cảm xúc” khi ra nhiều lần như vậy không? Nữ ca sĩ mỉm cười, bởi nếu như trước đây, khi còn trẻ, người nghệ sĩ khi hát cũng như đứng trước mọi người, cái tôi luôn muốn được thể hiện nhiều hơn, thì giờ đây, chị lại lên đường với tâm thế muốn được lắng nghe, được sẻ chia và lan tỏa tình cảm đến các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Phương Thanh hát giao lưu cùng chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông.
Ca sĩ Phương Thanh hát giao lưu cùng chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông.

Phóng viên (PV): Mỗi lần ra với Trường Sa, mỗi người như được “mang đi tinh thần, mang về niềm tin” và nó cũng là chất xúc tác rất lớn cho mỗi người nghệ sĩ?

Ca sĩ Phương Thanh: Gia đình Phương Thanh có truyền thống binh nghiệp, với cha và hai anh đều là người trong quân đội. Truyền thống ấy như được bồi đắp thêm sau mỗi chuyến đi Trường Sa. Lần đầu tiên ra Trường Sa, Phương Thanh được đi trực thăng, với mục đích ghi hình chương trình âm nhạc. Cảm giác đầu tiên khi nhìn trên cao xuống là sự mênh mông của biển trời. Nhưng tôi ấn tượng với những tà áo dài của các chị, càng đến gần càng rõ. Phương Thanh mới tự nhủ: phụ nữ cũng sống trên đảo cơ mà! Rồi khung cảnh chào cờ, sao thấy trang nghiêm, oai hùng! Lúc ấy nước mắt mình chợt ứa ra, cùng với lòng ngưỡng mộ các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những lần sau ra tới Trường Sa, cảm xúc lại khác nhưng mỗi lần đi về, mình tự nhủ sống bớt hưởng thụ hơn. Có những chương trình vì cộng đồng, chúng tôi sẵn sàng lên đường khi được thông báo, hoặc nếu biết mình sẽ xung phong. Khi tới thăm quần đảo Trường Sa, chúng tôi thường gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ những ca khúc vui tươi, sôi động, những chương trình âm nhạc mà ở đó mọi người được kết nối trực tiếp với nhau.

PV: Nghệ sĩ là những người đi truyền lửa, nhưng dần dần mình cũng biết cách tiết chế sự xúc động để hun đúc tinh thần cho quân và dân trên đảo?

Ca sĩ Phương Thanh: Phương Thanh nghĩ người nghệ sĩ phải biết kìm nén cảm xúc, quan trọng là điều phối chỗ nào cho hợp lý. Thí dụ khi lên đảo thì Phương Thanh hát rất mạnh, những bài sôi nổi, lan tỏa nhiều năng lượng, còn khi trở về tàu thì có thể hát những bài như “Thuyền và biển”. Đi với nhóm nghệ sĩ tình nguyện thì Phương Thanh hát 2 bài cũng như 20 bài. Ngày trước có thể khóc nhiều nhưng giờ được đi ra biển nhiều thì niềm tự hào, ngưỡng mộ khiến cho mình có thể nở nụ cười, cười nhẹ từ trong tâm. Với những người trong quân đội, chỉ một cái nắm tay thôi đã thấy đong đầy tình cảm.

Có một lần, khi Phương Thanh đang ngồi tâm sự với một người lính, tự nhiên bạn ấy bỏ đi, thái độ rất dứt khoát. Lúc ấy mình ngơ ngác và đã khóc, tự hỏi vì sao mình bị “đối xử” như thế? Khi về đến tàu, bạn ấy mới nhắn tin: “phải như vậy mới đi được!”. Phương Thanh hiểu rằng người chiến sĩ đã luôn tránh né những cảm xúc đó, chỉ còn lại sự khẳng khái, mạnh mẽ, can trường. Dần dần mình mới cảm nhận được sự hy sinh của người lính thầm lặng và cao cả thế nào.

PV: Điều này chắc hẳn có liên quan đến album mới nhất của chị, “Ngược dòng Nguyên Hương”?

Ca sĩ Phương Thanh: Album mới nhất của tôi, “Ngược dòng Nguyên Hương”, là hành trình mười mấy năm của Phương Thanh với sự chiêm nghiệm, tìm về chính mình. Tính của Phương Thanh là có gì mới thì mới làm, còn không cứ để lại. Phương Thanh cũng đã có một quá trình trải nghiệm, đủ để hiểu được mình hợp với sông, nước, núi, biển, hoặc có thể con người mình thích phiêu lưu, ưa độ cao, độ rộng nên trong album “Ngược dòng Nguyên Hương”, mọi người sẽ thấy hơi mang tính tâm linh, như một cách tìm về trong mình. Trước đây là mình thấy mình, nay mình tìm về chính mình để “trả lại” những gì mình đã gieo. Phương Thanh đã tìm những bài hát có thể giúp cho mình xoa dịu những nỗi đau, để hát cho những mối tình không tới được. Nếu như ngày xưa, mình hát những ca khúc, trong đó có những tâm trạng thổn thức, trách móc “Khi ta đến bên nhau, tình yêu dối lừa”, thì bây giờ “Tình ta như đường thẳng song song/Chỉ nhìn thấy nhưng chẳng thể gần/Chỉ quan tâm phương trời xa xôi/Nặng đôi tim câu chuyện để dành” - để dành đó và sống tiếp một cách vui vẻ.

PV: Lâu lắm rồi Phương Thanh mới làm show tại Hà Nội. 3 show “Đóa hồng gai”, bắt đầu từ ngày 25/5 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội và sau đó là Hạ Long, Quảng Ninh?

Ca sĩ Phương Thanh: 10 năm rồi Phương Thanh mới làm show tại Hà Nội. Trước đây, mình chỉ đủ tiền làm show ở TP Hồ Chí Minh, vì tổ chức xong là hết tiền. Lần này Phương Thanh may mắn có được sự hỗ trợ của Công ty Ngọc Việt. Mỗi lần tổ chức show, Phương Thanh đều rất chú ý đầu tư vào chất lượng âm thanh nên lỗ là đúng. Nếu như ngày trẻ mình tâm sự bằng cái tôi nhiều, còn bây giờ tâm sự bằng cảm xúc, thong thả hát. Ngày xưa mình cũng thích thể hiện, cái tôi cũng dễ bộc lộ, còn bây giờ, Phương Thanh chỉ dặn đạo diễn là kết nối giúp mình, để mình thong thả hát, kết nối với những người yêu mến mình. Live show lần này Phương Thanh mời được ca sĩ trẻ Mono-Nguyễn Việt Hoàng, một chàng trai trẻ đang hot trên thị trường. Nhiều người cũng thắc mắc hai chị em sẽ hát gì trên sân khấu? Nhưng chỉ cần có lời mời, tất cả mọi thứ sẽ ổn. Tôi nhận thấy ở bạn ấy năng lượng tươi trẻ, rất tình cảm, nói ít nhưng thể hiện cảm xúc nhiều.

PV: Trân trọng cảm ơn ca sĩ Phương Thanh!

Ca sĩ Phương Thanh: “Mỗi lần mình đi về, Phương Thanh thấy mình cần “thu vén” cái tôi, cái ta của mình lại và “dùng” nó có ý nghĩa hơn nữa. Khi nhìn lại những hình ảnh, nhớ lại kỷ niệm và tự hiểu rằng: ở một nơi xa nào đó, có những người được sinh ra là họ đã “hy sinh” cho đất nước, cho dân tộc, từ đó chúng tôi vẫn luôn tự nhủ sẽ mang âm nhạc để lan tỏa “cái tình” một cách nhẹ nhàng, thấm sâu”.