Du ngoạn văn hóa dân gian cùng gen Z

Văn hóa truyền thống qua sự thể hiện các họa sĩ còn rất trẻ đã mang tới những cảm nhận mới, thú vị và gần gũi tại triển lãm “Dân gian trong Gen Z”.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách nước ngoài tham quan triển lãm.
Du khách nước ngoài tham quan triển lãm.

1/Cuộc trưng bày do Tired City và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng tổ chức vừa khai mạc với 39 tác phẩm minh họa về văn hóa dân gian Việt Nam, như nghệ thuật hát bội, tranh Đông Hồ hay các câu vè, đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ. Điều đặc biệt, các tác giả đều là những họa sĩ thuộc thế hệ gen Z ở trong và ngoài nước đều cùng sự quan tâm đến văn hóa truyền thống dân tộc.

Loạt tranh về nghệ thuật hát bội tại triển lãm đã để lại nhiều ấn tượng cho đông đảo khách tham quan. Tác giả là họa sĩ Phương Vy (nghệ danh Vei Vei, sinh năm 2000) tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và hiện đang là một designer kiêm họa sĩ tự do. Đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử bắt nguồn từ những cảm hứng về ký ức tuổi thơ, ngày còn bé, Vy thường nghe cải lương qua cassette, xem truyện cổ tích Việt Nam trên tivi và chơi ô quan với mẹ. Chính những tiếp xúc nhỏ đó đã nuôi dưỡng sự hứng thú của cô họa sĩ trẻ, thôi thúc Phương Vy tìm hiểu về các tầng ý nghĩa, các câu chuyện văn hóa như nghệ thuật sân khấu, lễ hội, ngôn ngữ địa phương...

Du ngoạn văn hóa dân gian cùng gen Z ảnh 1

Tác phẩm “Đào Tam Xuân loạn trào” của họa sĩ Vei Vei.

Trao đổi với phóng viên, Vy chia sẻ, trong quá trình tìm hiểu, các thể loại diễn xướng của nghệ thuật truyền thống đã đặc biệt thu hút Vy. Trong đó, hát bội là thể loại tạo cho cô nhiều cảm xúc nhất. Học mỹ thuật nên những hình ảnh tác động mạnh về thị giác trong hát bội đã thu hút cô. Nhất là cách trang điểm, vẽ mặt các nhân vật của thể loại này. “Tôi muốn đưa mảng đề tài này vào các tác phẩm minh họa cũng như trong thiết kế của mình để sản phẩm có thể mang tính ứng dụng và lan tỏa được nhiều hơn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”, Vy nói.

Hai dự án mà Phương Vy thực hiện về nghệ thuật hát bội là Art Book “Bội tự” và “Bội ký”. Đây là dự án mà cô đã theo đuổi và triển khai từ năm thứ hai đại học. “Bội tự” và “Bội ký” đã nhận được những phản hồi rất tốt và được đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, sau khi tốt nghiệp, Phương Vy nối dài dự án. Nghệ thuật hát bội được thể hiện qua các tác phẩm của Vy tinh tế, sắc sảo và ấn tượng hơn rất nhiều. Những điển tích trong hát bội được họa sĩ trẻ nghiên cứu sâu hơn rồi thể hiện tạo hình.

Du ngoạn văn hóa dân gian cùng gen Z ảnh 2

Tác phẩm “Tắm” của họa sĩ Meaptopia.

2/Hai gen Z còn lại góp mặt trong triển lãm là nữ họa sĩ Meaptopia (An Ho), hiện đang sống tại Boston (Mỹ) và Pao (Thừa Thiên Huế). Meaptopia có một “kho tàng cảm hứng” về cuộc sống bình dị ở quê nhà Hà Nội. Cô đã khéo léo khắc họa những cảm hứng đó bằng phong cách truyền thống, tạo nên các hình ảnh hài hước đậm tính văn hóa dân gian. Bộ tác phẩm “Đông Mèo” tại triển lãm được Meaptopia lấy cảm hứng từ dòng tranh Đông Hồ, miêu tả sinh động, hóm hỉnh và gần với giới trẻ. Còn bộ tác phẩm “Vè nói ngược” của Pao là những sáng tạo với thể loại văn học dân gian dí dỏm, độc đáo của người Việt. Các câu vè vốn chỉ truyền miệng nay được tạo hình dí dỏm như “Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô”, “Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”… mang lại nhiều thích thú cho khách tham quan.

Du ngoạn văn hóa dân gian cùng gen Z ảnh 3

Tác phẩm “Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng” của họa sĩ Pao.

Triển lãm “Dân gian trong Gen Z” lan tỏa nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời ghi dấu những đóng góp của các họa sĩ minh họa trẻ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể coi đây là một đại diện cho việc thế hệ trẻ đang ngày càng quan tâm và tìm đến văn hóa dân gian như một nguồn cảm hứng mới mẻ và độc đáo, từ đó thể hiện sự sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, thời trang, phim ảnh, hội họa... Như chia sẻ của họa sĩ Phương Vy, tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ gen Z như tôi vẫn đang rất quan tâm tới văn hóa truyền thống. Và mỗi người đều có thể gìn giữ bản sắc văn hóa Việt theo cách riêng của mình. Với tôi là đưa những nét độc đáo từ văn hóa truyền thống vào thiết kế và hội họa. Một số bạn trẻ theo đuổi con đường âm nhạc đã đưa những tiết tấu của nhạc cụ dân tộc vào tác phẩm một cách sáng tạo. Rồi những bạn làm ở mảng thời trang hay điện ảnh… Tất cả đều có thể thành công nếu biết tận dụng tốt những tài nguyên từ kho tàng văn hóa dân tộc của chúng ta.