Phục hồi, hỗ trợ cho mai sau

Sáng 28/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu đã công bố và trao giải thưởng lớn nhất lần thứ XII - năm 2024 cho cuốn sách “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”. Cuốn sách dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương. Trong đó phần 1 là “Vùng Sài Gòn - Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859”, phần 2 là “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859 - 1945)”.
Phục hồi, hỗ trợ cho mai sau

Các chương trong cuốn sách theo thứ tự là “Những tiền đề hình thành vùng đất mới”, “Sài Gòn - Gia Định trước thời Pháp thuộc”, “Tổ chức hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn” và “Quy hoạch đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn”.

Còn tại Thủ đô, tối 27/9, kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hội Sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 diễn ra với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” khai mạc tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Hội sách do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước. Vui và điểm mới của hội sách năm nay là, hội sách cùng đại diện các cơ quan sứ quán các nước: Lào, Campuchia, Pháp, Italy... giao lưu với nhiều màu sắc hấp dẫn về tư duy việc đọc.

Cùng trong ngày 27/9, một sự kiện khác rất đáng quan tâm bởi sẽ duy trì sự tác nghiệp trong ngành quản lý hoạt động văn hóa nhiều chục năm tiếp theo ở nước ta. Đó là việc Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho đại diện các cơ quan, đơn vị, một số hiệp hội, tổ chức quyền tác giả của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Đây là việc giúp các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý hay thực thi bảo hộ quyền tác giả một cách thiết thực nhất, góp phần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta từ nay đến mai sau.