1/Làng quê Bồ Dương thanh bình, nhịp sống lao động nông nghiệp hiện hữu rõ nét. Trung tâm của thôn Bồ Dương là đình làng ngói mũi hài cổ kính. Cách không xa là ao nước và nhà thủy đình. Mắt nhìn về phía đình Bồ Dương,
ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường Rối nước Hồng Phong cho biết, Đình Đông (tên trước đây của đình Bồ Dương) có từ thời Hậu Lê, cuối thế kỷ 17, có các hoa văn chạm trổ nghệ thuật múa rối nước... Các trò rối như diều sáo, pháo đất, múa rồng, múa rắn, đấu vật, chọi trâu đều gắn với nền sản xuất nông nghiệp, do cha ông sáng tác và trực tiếp diễn trong dịp hội làng hoặc sau giờ lao động sản xuất. Đến nay phát triển thành sản phẩm du lịch.
Tái lập phường từ năm 1989, nhưng nỗi lo hiện nay của phường là nguy cơ già hóa nghệ nhân và nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Năm nay 67 tuổi, ông Phạm Văn Tòng cùng một số thành viên trong phường phải chủ động tìm kiếm hợp đồng biểu diễn. Cầm tờ giấy giới thiệu của xã Hồng Phong, các thành viên tìm đến công ty du lịch ở Hà Nội để giới thiệu sản phẩm và liên hệ tìm khách. “Chúng tôi phải tự túc về tài chính hoạt động. Các công ty lữ hành làm giá và khảo sát, chấm chọn tiết mục rất chặt chẽ. Bảng giá niêm yết rõ ràng, từ 1-5 khách là 1,2 triệu đồng, từ 6-10 khách là 1,3 triệu đồng và từ 11-15 khách là 1,4 triệu đồng”, ông Tòng cho biết. Một ca biểu diễn, trung bình mỗi diễn viên nhận 70 nghìn đồng. Ngoài thù lao, phường thống nhất toàn bộ số tiền khách bồi dưỡng chuyển vào quỹ để tái đầu tư con rối, sắm sửa, trang thiết bị phục vụ hoạt động biểu diễn.
Dầm mình trong làn nước giá rét đầu năm, phơi mình trong những ngày hè nóng nực nhưng thù lao nhận của các thành viên phường rối nước Hồng Phong không tương xứng. Từ tháng Giêng đến tháng Tư hằng năm là mùa cao điểm, phường diễn từ 25-30 ca, có tháng lên đến 34 ca. Nhưng hè vừa rồi, phường diễn phục vụ vài đoàn khách nội địa, đến từ các cơ quan, trường học. Nỗ lực rất nhiều, nhưng “làm được thì ăn, không làm được thì đói”.
2/Theo ông Tòng, du khách nước ngoài thích xem các tiết mục rối nước dân gian cổ truyền hơn rối nước đương đại. Thông qua các trò rối, người xem tìm hiểu phong tục, lề thói, nhịp sống cũng như các tri thức dân gian, kỹ năng, nếp sống sinh hoạt, văn hóa, lễ hội… của cư dân vùng bắc bộ sông Hồng. Người diễn sử dụng cây tre nứa lá, vật dụng chung quanh tái hiện công cụ thủ công và các hoạt động chăn nuôi, cấy, hái. Nắm bắt được “khẩu vị” của du khách nước ngoài, ưa xem các trò cổ mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, các nghệ nhân dàn dựng các tích trò cổ như múa rồng, múa rắn, Tễu chăn vịt, cày bừa… Để phù hợp nhu cầu khách nước ngoài, phường điều chỉnh, diễn các trò rối sôi động và ít lời thoại.
Nhưng lâu nay, phường rối nước Hồng Phong không tuyển được diễn viên. Hiện nay, các thành viên hoàn toàn tự truyền nghề cho nhau, trong khi các công đoạn tạo tác con rối, nghệ thuật âm nhạc, thuyết minh, thể hiện lời thoại, thiết kế ánh sáng, âm thanh, hệ thống khói… cần được học hành bài bản. Người trẻ lo đi làm ăn kinh tế, còn người già đau đáu nỗi lo nghề thất truyền.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận múa rối nước tỉnh Hải Dương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự hồi sinh của nghệ thuật múa rối nước, tái lập phường rối nước Hồng Phong, xây dựng nhà thủy đình năm 2003 phần nào thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trong đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, rối nước thôn Bồ Dương được xác định là một trong 8 sản phẩm du lịch đặc thù để định hướng phát triển. Nhưng nhìn vào thực tế hoạt động hiện nay, đòi hỏi địa phương cần có những giải pháp cụ thể, định hướng hoạt động để phường múa rối Hồng Phong bảo đảm quy trình vận hành, nghệ nhân yên tâm giữ nghề vừa giữ lửa nghề.
Phường rối nước Hồng Phong được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Hải Dương, với quần thể kiến trúc rộng hơn 3.000 m2 gồm di tích lịch sử gồm đình làng Bồ Dương - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995, khu vực ao, nhà thủy đình, nhà trưng bày con rối… Nằm trong tuyến du lịch huyện Ninh Giang, bao gồm múa rối nước Hồng Phong-đền Tranh-đình Trịnh Xuyên-đền Khúc Thừa Dụ, tỉnh cần có giải pháp phù hợp để phường múa rối nước Hồng Phong phát triển ổn định.