Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Một niềm tự hào của người Việt

Ngày 29, 30/9, tại Thái Bình diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo do UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Chúng ta có thể cảm nhận lại một số đánh giá trân trọng, đề cao của người đương thời ở Trung Hoa và Triều Tiên đối với người được xem là nhà bác học lớn nhất của Việt Nam thời phong kiến.
Tượng danh nhân Lê Quý Đôn tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu
Tượng danh nhân Lê Quý Đôn tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

1/Các công trình của học giả Lê Quý Đôn (1762-1784) đến nay còn lưu giữ được rất đồ sộ nghiên cứu về rất nhiều lĩnh vực như lịch sử,văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc cho đến tập quán, phong tục các xứ, các vùng, nghiên cứu về triết học, về tư tưởng, về các thiết định pháp chế... với một tư tưởng và hành động xuyên suốt là gần gũi với thực tế, gần gũi với nhân dân, gắn bó với những mong muốn của nhân dân.

Đã có nhiều nhất trí khẳng định Lê Quý Đôn là một người đọc và viết nhiều nhất trong suốt cả nghìn năm của chế độ phong kiến, khẳng định Lê Quý Đôn là người muốn có nhiều những cải cách trong xã hội Việt Nam, khẳng định Lê Quý Đôn là nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần dân và là nhà trí thức có tư tưởng tự tôn, tự hào dân tộc. Cuộc đời của Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn là thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị và đọc sách, viết sách để vừa hiểu biết vừa có thể giới thiệu, quảng bá và giữ gìn những giá trị tinh hoa của văn hóa văn hiến Việt.

2/Xin không thống kê những sách của Lê Quý Đôn hiện còn và những sách được xem là của ông do Phan Huy Chú thống kê trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có đến vài ba mươi cuốn, chỉ xin góp một thông tin vừa lạ vừa hay để chứng minh yếu tố bác học của Lê Quý Đôn. Ta biết ông Galile (Galileo Galilei 1564-1642) người Italia có học thuyết Nhật tâm khẳng định Trái đất quay quanh mặt trời đã bị Tòa án dị giáo Vatican bỏ tù, nhưng ra tù ông lại vẫn khẳng định như cũ. Phải đến năm 1758 thì Viện Hàn lâm giáo hoàng mới công nhận và gỡ bỏ việc kết tội sai trái đó. Thế mà chỉ sau đó ba năm, năm 1761 Lê Quý Đôn, qua tìm hiểu của mình đã nhận ra rằng Trái đất là một quả cầu quay quanh mặt trời (trang 2 “Phủ biên tạp lục”, NXB Văn hóa thông tin, 2007). Nếu không phải là người chịu đọc sách, không phải là người chịu tìm hiểu, học hỏi thì một người thuần Nho như Lê Quý Đôn làm sao có thể chắc chắn về một thông tin và một nhận thức về thiên văn học, về một ngành khoa học thực hành mang tính thời sự như thế trong điều kiện thông tin vô cùng hạn chế của thời đại?

Có thể nói, so với những người cùng thời và so với nhiều nhà nho nước ta thời phong kiến Lê Quý Đôn là một học giả được khá nhiều người nước ngoài cùng thời biết tiếng. Người ta biết đến Lê Quý Đôn trước hết là biết về khả năng thuyết phục bằng lý lẽ khi ông tranh luận với đại diện triều đình Mãn Thanh. Lê Quý Đôn đã mạnh mẽ phản đối những từ mà nhà Thanh đã áp đặt khi gọi sứ thần Việt Nam là “di quan”, “di mục” bởi chữ “di” nhằm hạ thấp tư cách, nhân cách của người Đại Việt. Nhà Thanh phải chấp nhận gọi đoàn sứ thần của ta là “An Nam cống sứ”. Việc này xảy ra năm 1762. Chúng ta chưa thật rõ cuộc thương thuyết, tranh đấu này cụ thể như thế nào? Chắc chắn không thể suôn sẻ, nhanh chóng? Nhưng cuối cùng, ta đã đạt được mục đích, như thế, phải thấy năng lực của Lê Quý Đôn là rất tuyệt vời, rất đáng trân trọng. Ông xứng đáng là một trí thức Việt Nam có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giữ được danh dự cho đất nước.

3/Lê Quý Đôn là một trong những nhà bác học Việt Nam thời phong kiến có tác phẩm dày dặn nhất, một công trình nghiên cứu các vấn đề triết học và tư tưởng của Trung Hoa. Lê Quý Đôn tiếp thu các giá trị này bằng cách xây dựng cho mình một thu hoạch bằng cách khảo rất nhiều sách vở, tài liệu và suy xét bình nghị theo quan niệm của bản thân mình. Đó là cuốn “Quần thư khảo biện”. Đã có nhiều học giả đương thời người Trung Hoa và Triều Tiên đọc sách này và hầu hết đều có những lời nhận xét xác đáng. Chẳng hạn ông Chu Bội Liên là Đề đốc học chính tỉnh Quảng Tây đánh giá: “Ông Lê Quế Đường ở Nhật Nam hiểu biết sâu rộng về các sách sử... Ông xem xét sự thay đổi của các triều đại từ Hạ, Thương, Chu cho đến Lương Tống sau này thật là sâu kỹ... Ông dùng cả “lý” lẫn “thế “để bàn về lịch sử, dùng hiểu biết về người để bàn về thời đại” và “Tài sánh ngang hào kiệt, học đáng bậc thánh hiền, có lẽ đều đã được tỏ rõ ở bộ sách này rồi” (Lời tựa”Quần thư khảo biện”, trang 49 NXB Khoa học Xã hội, 1995).

Ở một văn bản khác, cũng viết tựa cho “Quần thư khảo biện”, ông Trần Triều Vũ là tiến sĩ thời Càn Long triều Thanh từng là người đón tiếp sứ đoàn Lê Quý Đôn lại có nhận xét: “Ông Quế Đường sinh trưởng ở một nước xa xôi mà bỏ nhiều công sức vào việc nghiên cứu sử học như thế cũng đã hơn hẳn người một bậc rồi... Nếu ông ấy nghiên cứu việc đời xưa mà ứng dụng được vào việc ngày nay... thì những điều mà ông ấy học được ở sử đưa ra dùng sẽ không bao giờ hết” (trang 55 Sđd).

Còn một trí thức triều Thanh nữa, ông Tần Triều Hãn năm 1762 cũng phải than rằng, văn tài như Lê Quý Đôn thì ở chính Trung Quốc cũng ít có. Ông cũng đề cao Lê Quý Đôn là người không chỉ cầm bút đã làm luôn được mười bài phú mà còn là người rất trân trọng văn Nôm (Lê Quý Đôn viết “Bắc sử thông lục”bằng văn xuôi chữ Nôm đầu tiên, sau đó 28 năm, Vua Quang Trung mới thảo chiếu bằng văn Nôm (Theo Văn Tân “Con người và sự nghiệp Lê Quý Đôn”, sách “Phủ biên tạp lục”, NXB Văn hóa thông tin, 2007, trang 23).

4/Những học giả tham gia luận bàn, đánh giá tác phẩm này còn có nhiều sứ thần nước Triều Tiên. Đó là một vị Chánh sứ tên là Hồng Khải Hy, trạng nguyên nước Triều đã không tiếc lời ca ngợi: “Ông là người có tâm trí sáng suốt, phân định rạch ròi, biết đưa ra những cái sâu xa từ đời xưa, chẳng trách ông tìm thấy những cái lý đích thực, dùng lời không sai. Không cần tinh mà tự nhiên tinh. Hơn thế nữa, về lễ, không chỗ nào là chỗ ông không đầy đủ, về lý không chỗ nào là chỗ ông không đi đến tận cùng. Đó mới thật sự gọi là phát huy được cái rất linh của mình thì cái văn rất tinh đã sẵn có ở trong đó” (Lời tựa “Quần thư khảo biện”, Hồng Khải Hy soạn, Sđd, trang 58). Chưa hết... “học thuyết của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngon của cả nồi” (Sđd, trang 57).

Một vị sứ khác cũng người Triều Tiên, ông Lý Huy Trung lại viết một bức thư ngắn gửi Lê Quý Đôn sau khi đọc sách của ông: “Đúng là toàn lời hay ý thuận được viết ra từ những suy nghĩ và nhìn nhận sáng suốt, làm gương soi, làm mực thước cho đại thế. Thật không kém gì lời bàn của các danh nho đất Mân, đất Lạc (chỉ các vị Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di). Nếu nói nước Nam không có bậc quân tử thì sao có người tài giỏi đến thế. Đáng khâm phục thay (Sđd, trang 60).

Xin được nhớ thêm rằng các danh sĩ nước ngoài này khẳng định, ngợi ca, đánh giá cao Lê Quý Đôn hoàn toàn không phải là lối nói ngoại giao, giữ lễ mà là một sự khâm phục thành thật. Chứng cớ là họ không chỉ trao đổi, bút đàm, họ còn viết thư, viết tựa, hơn thế còn có nhiều người tham gia trực tiếp chỉnh sửa với Lê Quý Đôn. Cũng cần nói thêm rằng, trong “Quần thư khảo biện” dù bàn bạc rất nhiều nội dung văn sử triết gắn với phương Bắc, Lê Quý Đôn cũng không bỏ lỡ dịp để nói rõ rằng nhà Tống đã phải học phép tổ chức quân đội của nước Đại Việt, còn “Vân đài loại ngữ”, một tác phẩm khác của ông lại cho ta thấy Lê Quý Đôn nhiều lần tỏ ra tự hào về lịch sử dân tộc. Ông đã viết rằng, Vua Thành Tổ nhà Minh phải cho người học phép chế tạo súng thần công của Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng.

Lê Quý Đôn là một danh nhân văn hóa Việt, một niềm tự hào của người Việt.

Sơ bộ thống kê trong sách “Quần thư khảo biện” này, chúng tôi thấy có 223 nội dung bàn bạc thì có đến 48 nội dung có sự tham vấn, góp ý của các vị như Chu Bội Liên, Hồ Trai, Đông Giang, Ngô Dương Đình... Đây là những vị có kiến văn quảng bác, có học vấn học vị cao. Họ có bổ sung, góp ý vào 48 nội dung, còn lại hơn 170 nội dung khác thì hoàn toàn nhất trí, đủ biết Lê Quý Đôn có khả năng thuyết phục đến độ nào.