Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 4)

Kỳ 4: Câu hỏi trên vai du lịch bền vững
0:00 / 0:00
0:00
Di sản then là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Cao Bằng. Ảnh: CÔNG LUẬN
Di sản then là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Cao Bằng. Ảnh: CÔNG LUẬN

Có nguồn tài nguyên văn hóa và du lịch khổng lồ, Cao Bằng cũng phải đối mặt với các vấn đề vĩ mô: Hạn chế về nguồn lực đầu tư, nhân lực văn hóa-du lịch vừa thiếu vừa yếu, nghệ nhân và nghề cổ đứng trước nguy cơ thất truyền và mai một, cơ sở hạ tầng yếu kém là điểm bất lợi lớn nhất, cản trở du lịch Cao Bằng cất cánh.

Mô hình dẫn lối

Được đánh giá là tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh, mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa. Đây là cơ sở để tỉnh Cao Bằng xây dựng các sản phẩm du lịch địa chất; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm…

Toàn tỉnh hiện có bảy điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được khai thác và phát huy theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn văn hóa bản địa và tạo hệ sinh thái xanh, gồm: Làng rèn Pắc Rằng (người Nùng An); Làng hương Phi Thắp (người Nùng An); Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (người Dao tiền); Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (người Lô Lô); Làng đá cổ Khuổi Ky (người Tày); Làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng (người Tày); Làng du lịch cộng đồng Lũng Niếc (người Tày).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khai thác hiệu quả tuyến phố đi bộ Kim Đồng (phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng) từ tháng 10/2019, trở thành điểm nhấn về văn hóa - du lịch, thu hút du khách khi đặt chân lên miền non nước. Tỉnh triển khai thực hiện bốn dự án đầu tư thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình 1719; xúc tiến, thu hút một số nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án du lịch, gồm: Dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái Suối Củn (Hòa An), Dự án đầu tư Di tích danh lam thắng cảnh Động Dơi (Hạ Lang), Dự án đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng khu vực Mắt Thần núi, thác Bản Giốc (Trùng Khánh), Dự án điểm dừng chân Phúc Sen (Quảng Hòa)... Năm 2023-2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khảo sát và xúc tiến xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hứa hẹn mang đến sản phẩm du lịch độc đáo. Để kết nối với du khách quốc tế, tỉnh đã xúc tiến trao đổi với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Khorat, Thailand về tiềm năng hợp tác.

Với vốn văn hóa đặc sắc, nhiều tài nguyên quý của các dân tộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các địa phương trong tỉnh đã lan tỏa theo hướng bền vững thông qua du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh… Trong đó, hát then, đàn tính là bản sắc rất riêng, niềm tự hào của Cao Bằng. Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng khoảng 700 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, nòng cốt là hát then. Vài năm gần đây, Cao Bằng duy trì tổ chức liên hoan hát then, đàn tính cấp tỉnh. Tỉnh cũng xác lập kỷ lục Việt Nam với màn trình diễn hát then, đàn tính gồm 1.000 người tham gia trình diễn trong sự kiện Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023 và đóng góp nhiều nét văn hóa đặc sắc các dân tộc đến với Thủ đô Hà Nội trong các dịp tổ chức Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng.

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 4) ảnh 1

Tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang được thi công khẩn trương. Ảnh: TUẤN ANH

Cần gỡ nhiều điểm nghẽn

Nhưng vừa không có đường sắt, đường biển và hàng không, Cao Bằng chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Những khó khăn như càng được nhân lên với du lịch bền vững bởi đặc thù phải đầu tư kỹ lưỡng, đồng bộ, cần sự kết hợp rất nhiều nguồn lực mới có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An bày tỏ, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền, định hướng cho bà con về bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với du lịch, chính sách phải đi đôi với nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực đầu tư từ các chương trình 1719, chương trình dân tộc miền núi… rất hạn chế. Ngân sách Trung ương và tỉnh đều hạn hẹp. Nguồn lực xã hội hóa lại càng khó. Điều kiện địa hình, địa lý, hạ tầng, tỷ lệ khách du lịch đến Cao Bằng chưa cao… khiến Cao Bằng chưa thu hút được đầu tư.

Trước mắt, tỉnh đang từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, hướng đến sự phát triển liên kết với các tỉnh Đông Bắc và trong nước. Kết nối du lịch Cao Bằng với Bắc Kạn-Thái Nguyên, Tuyên Quang-Hà Giang-Lạng Sơn-Quảng Ninh thông xuống kết nối với Hà Nội, Hải Phòng… Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1 đang được tích cực triển khai xây dựng. Khi hoàn thành, tuyến đường bộ cao tốc sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, tuyến đường cao tốc hoàn thành, du lịch sẽ được hưởng lợi trước tiên, mở ra cơ hội liên kết khai thác nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch công viên địa chất, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch theo địa chỉ đỏ…

Qua đánh giá, thời gian lưu trú của du khách tại Cao Bằng thường ngắn bởi thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí và trải nghiệm. Về quy hoạch, nhiều địa danh nổi tiếng, giáp biên giới không có địa điểm xây dựng trạm kiểm soát biên giới, không có hàng rào biên giới hay khu thương mại biên giới. Một số điểm khi triển khai thực tế thấy bất cập, không phù hợp gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là việc núp bóng đầu tư, ảnh hưởng an ninh trật tự, chủ quyền biên giới lãnh thổ.

Để thúc đẩy du lịch bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trước tiên, cần tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, điểm nhấn là các khu di tích quốc gia đặc biệt; các khu, điểm du lịch trọng điểm; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, cần khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới... đồng thời phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng như một trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng các khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh... để thúc đẩy, quan hệ hợp tác với nước bạn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: Từ chủ trương, quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy, hiệp hội coi đây là cơ hội mới để tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, công ty, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm mới đa dạng sản phẩm du lịch bắt nhịp với định hướng của tỉnh để Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc sắc phát triển theo hướng bền vững.

Chuyên gia tư vấn quốc tế Guy Martini, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khẳng định: Muốn phát triển du lịch bền vững, cần bảo vệ được di sản địa chất, tài nguyên môi trường, đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa bản địa; cổ vũ, động viên các nghệ nhân, bà con các dân tộc thiểu số tích cực gìn giữ, lưu truyền các loại hình văn hóa truyền thống trong đời sống gắn với phát triển du lịch để tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt. Qua đó, vừa tạo sinh kế cho bà con, nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cao Bằng đã từng bước làm tốt nhiệm vụ này và cần tiếp tục khai thác phát huy để tiến tới xây dựng du lịch đặc sắc, có thương hiệu bền vững.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng rộng 3.275 km2, bao bọc thành phố Cao Bằng, sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích của ba huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An, quần tụ tám dân tộc anh em Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay (Sán Chỉ), Hoa, Lô Lô. Rộng hơn một nửa tỉnh Cao Bằng, mô hình công viên địa chất thể hiện bao quát nhất, đầy đủ nhất hướng đi chủ đạo của tỉnh trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững: Bảo tồn giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và giá trị địa chất.


Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 1)

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 2)

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 3)