Du lịch khí hậu ở Ai Cập

Ai Cập là quốc gia có nhiều địa điểm khảo cổ và di tích lịch sử, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những công trình này cũng trải qua nhiều đợt tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi vậy, “đất nước kim tự tháp” đang khởi động loại hình du lịch kết hợp giữa tham quan, khám phá các di sản ảnh hưởng của quá trình BĐKH.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ QarOun gắn liền với những sự kiện biến đổi khí hậu trong lịch sử Ai Cập. Ảnh: EGYPT TOURS
Hồ QarOun gắn liền với những sự kiện biến đổi khí hậu trong lịch sử Ai Cập. Ảnh: EGYPT TOURS

Nhiều nghiên cứu khảo cổ ở Ai Cập đã củng cố các giả thiết về ảnh hưởng của BĐKH và BĐKH cũng tác động ngược lại với quá trình phát triển của nền văn minh Ai Cập. Theo báo Al-Ahram, GS ngành Khảo cổ Fekri A.Hassa cho biết, loại hình du lịch khí hậu là một trong giải pháp có thể cung cấp cho du khách nước ngoài cũng như công dân Ai Cập trải nghiệm trực tiếp tại các di tích lịch sử đã trải qua BĐKH trong quá khứ như thế nào, cũng như những tác động nghiêm trọng của nó đối với xã hội loài người ra sao.

GS Fekri A.Hassa đã tiến hành công việc thực địa và nghiên cứu khảo cổ học tại các địa điểm trên khắp Ai Cập trong hơn 50 năm qua, ông cũng xuất bản hơn 200 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế về lĩnh vực này. Theo ông, một số địa điểm ở Ai Cập có giá trị khảo cổ và chứng kiến tác động rõ rệt của BĐKH phù hợp để triển khai du lịch khí hậu, đó là công trình đo mực nước Nilometer trên đảo Roda thuộc Thủ đô Cairo; hồ QarOun trong Ốc đảo Fayoum...

Nilometer ở Roda được xây dựng với mục đích đo chỉ số mực nước của sông Nile. Công trình hoạt động từ thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, cho thấy mô hình của lũ sông Nile và phản ánh tác động của BĐKH đối với lượng mưa và mực nước theo mùa ở vùng châu Phi xích đạo. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã tiết lộ mối quan hệ giữa BĐKH và lũ lụt sông Nile có ảnh hưởng rõ rệt đối với nạn đói và rối loạn chính trị ở Ai Cập thời trung cổ. Những ghi chép ở Nilometer đã trải qua hơn 1.200 năm và là những bằng chứng quan trắc quý giá cần được bảo tồn.

Tương tự, hồ QarOun, còn được gọi là hồ Moeris, nối liền sông Nile và vùng đất ngập nước Bahr Yussef, là một trong những hồ nước lâu đời trên thế giới. Nghiên cứu các mẫu ​​trầm tích có từ hơn 10.000 năm trước được lấy lên từ dưới đáy hồ cho thấy những bất thường về mực nước của lũ sông Nile chảy qua vùng ốc đảo qua từng thời kỳ.

Các nhà khoa học cho rằng, điều kiện khí hậu từng trải qua mốc thay đổi đáng kể cách đây 7.000 năm, khi đó khí hậu toàn cầu bắt đầu mát và khô hơn. Đây là thời điểm mà các nghiên cứu trầm tích từ sa mạc Sahara vùng thuộc Ai Cập cho thấy quá trình khô cạn bắt đầu, dẫn đến sự xuất hiện của cảnh quan sa mạc cằn cỗi ngày nay. Các nghiên cứu ở Fayoum cũng cho thấy, một sự kiện khí hậu vào khoảng 2.200 năm trước Công nguyên đã khiến mực nước sông Nile trở nên khô hạn, kéo dài trong khoảng vài chục năm. Nước sông khô hạn dẫn đến nạn đói nghiêm trọng lúc bấy giờ, theo từ điển Britannica.

Du lịch khí hậu ở Ai Cập ảnh 1

Hóa thạch cá voi trong bảo tàng biến đổi khí hậu ở Wadi Al-Hitan. Ảnh: GETTY

Ngoài ra, địa điểm “du lịch khí hậu” nổi tiếng khác của Ai Cập là Di sản thế giới Wadi Al-Hitan. Đây là nơi phát hiện và bảo tồn bộ xương của những con cá voi mắc cạn khi mực nước biển giảm do điều kiện khí hậu toàn cầu lạnh hơn, khô hơn cách đây 37 triệu năm. Bảo tàng BĐKH ở Wadi Al-Hitan đang lưu giữ những bộ xương của hàng trăm con cá mập, cá voi khổng lồ và hóa thạch của chúng, là tư liệu chân thực về sự tiến hóa, phát triển của sự sống. Những hóa thạch cá voi trong thung lũng sa mạc đã vẽ nên bức tranh sống động về sự tiến hóa hàng triệu năm trước, cũng như sự thay đổi của khí hậu tác động đến sự sống như thế nào.

Ai Cập sẽ tổ chức Hội nghị Công ước khung của LHQ về BĐKH lần thứ 27 (COP27) vào tháng 11 năm nay. Bởi vậy các nhà tổ chức đang tích cực khởi động loại hình du lịch này, đặc biệt là với các đoàn khách quốc tế sẽ tới đây dự hội nghị trong thời gian tới.