Doanh nghiệp củng cố niềm tin

Sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vì dân, vì doanh nghiệp” thật sự là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất nhờ đơn hàng ổn định. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất nhờ đơn hàng ổn định. Ảnh: NGUYỆT ANH

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và triển vọng kinh doanh cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, so với các con số của khảo sát tháng 4/2023, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường.

Nhiều doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô

Hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ và đầu tư Intech cho biết, sau khi khắc phục mái tôn bị thổi bay do bão, doanh nghiệp đã nhanh chóng quay lại guồng sản xuất. Nhờ nỗ lực tìm kiếm thêm đối tác mới, hiện đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng hơn 30% so với kỳ năm trước.

Theo Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực/rất tích cực” về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tăng gấp 5 lần; tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” về kinh tế ngành hiện tại gấp 4 lần; tỷ lệ đánh giá “tích cực” về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 5 lần; tỷ lệ đánh giá “tích cực” về kinh tế ngành tăng gấp 4 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh mẽ tăng gấp gần 2,5 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,7 lần.

Liên quan tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sự đánh giá của doanh nghiệp kỳ này nhìn chung tích cực hơn so với khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023 ở tất cả các khía cạnh. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất và cơ cấu nhóm nợ. “Hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng như hơn 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ là hết sức quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác. Niềm tin và nội lực của doanh nghiệp đã trở lại, được củng cố và tăng cường”, Ban IV nêu rõ.

Trong cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), được thực hiện từ ngày 12 đến 25/9, sau bão số 3, gần một nửa (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý tới.

Thêm vào đó, triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với 69,3% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng 5 năm tới. Góc nhìn tích cực này càng được củng cố với 67% số doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Đặc biệt, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% số doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển cơ sở sản xuất mới ở miền bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Doanh nghiệp củng cố niềm tin ảnh 1

Trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh: MINH LÊ

Niềm tin cần được liên tục duy trì, lan tỏa

Tương tự các quý trước, khảo sát của EuroCham cho thấy 3 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.

Cụ thể, theo thống kê từ khảo sát, 66% số doanh nghiệp hiện đang sử dụng từ 1 - 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có hơn 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp thể hiện mong muốn khai thác tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam, bao gồm: thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao, và hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực đào tạo.

Đối với các chuyên gia nước ngoài, những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết. Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có tới một phần ba số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam.

Còn theo Ban IV, các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025 là nhiều biến số, các vấn đề được “gọi tên” không mới nhưng có thay đổi về thứ tự gồm: Khó khăn về đơn hàng, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; thủ tục hành chính; khó khăn về dòng tiền; thông tin thị trường và tiếp cận vốn vay. Trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do Covid-19, do lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão Yagi.

Vì vậy, các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vun bồi nội lực vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi, vì đây vẫn là thời điểm phải cân nhắc “khoan thư sức dân”. Ban IV đề xuất, định hướng chính sách không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn “hiện hữu” mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng” với yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa”, đồng thời với các cơ chế minh bạch và bảo đảm sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng.

Trước những yêu cầu đặt ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 103 ngày 7/10 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng, năm tới. Trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Đồng thời, khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương cần chủ động tích cực gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng...

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã công bố Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III với mức tăng đáng kể, từ 45,1 của cùng kỳ năm trước lên 52 điểm, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh.