Định giá đất minh bạch, sát thực tế

Một trong những dự án luật được nhân dân và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc là Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, việc xác định giá đất đúng, phù hợp, không gây thiệt hại cho Nhà nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng và thu hút sự góp ý, thảo luận, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00

Nêu những băn khoăn, lo lắng về nguyên tắc, phương pháp định giá đất hiện nay cũng như các phương pháp định giá đất trong dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bởi từ thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi gây băn khoăn không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất, người dân phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Về phương pháp định giá đất, cơ quan soạn thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất.

Liên quan các quy định khác nhau chung quanh việc định giá đất, nhiều băn khoăn, ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và quy định rõ trong Luật về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích đất đang sử dụng hiện tại hay trong tương lai, cũng như cần quy định cụ thể các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất là các yếu tố nào? Nếu chỉ quy định chung chung, không rõ ràng, có thể dẫn tới những cách làm, cách hiểu khác nhau, từ đó sẽ phát sinh vấn đề phức tạp…

Muốn xác định giá đất tiệm cận thị trường, chúng ta cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, đầy đủ, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ trên cơ sở quy định pháp lý cụ thể. Khi có cơ sở dữ liệu bảo đảm tính pháp lý sẽ xác định giá đúng, từ đó bồi thường thiệt hại đúng, thu tiền sử dụng đất đúng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Hệ thống dữ liệu đầy đủ, xác thực cũng sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, không gây thất thoát nguồn lực từ đất đai và tránh được rủi ro cho cán bộ thực hiện công tác đền bù, thu hồi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan thông tin, dữ liệu đầu vào về đất, để xác định giá đất trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đưa ra bốn phương pháp định giá và cơ quan soạn thảo cho rằng, các phương pháp này đã bao quát đầy đủ các trường hợp cần định giá đất. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, thực tế có những phương pháp đang được triển khai nhưng chưa hiệu quả, chưa kịp thời. Dự thảo Luật quy định nhiều phương pháp định giá đất có thể sẽ khó áp dụng, bởi cùng một thửa đất nhưng có thể đồng thời áp dụng được cả bốn phương pháp định giá và sẽ ra bốn mức giá khác nhau… Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Có thể xây dựng một phương pháp thống nhất tính giá đất, tránh trường hợp phải phân tích và lựa chọn nhiều phương pháp.

Những nguyên tắc quan trọng khi định giá đất là làm lợi cho ngân sách nhà nước, chống thất thoát giá trị tài nguyên, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, các quy định của Luật cần lựa chọn những phương án tối ưu nhất, khoa học, phù hợp thực tế, và có tầm nhìn xa. Bởi nguồn thu ngân sách nhà nước không chỉ bao gồm nguồn thu trực tiếp từ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, mà còn nguồn thu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất và các lợi ích về kinh tế-xã hội khác…