Điều thú vị ở tiệm tạp hóa “xanh”

Ngày nghe Phạm Thị Kim Hằng (29 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) nghỉ công việc với mức lương hậu hĩnh để khởi nghiệp bằng tiệm tạp hóa “xanh”, bạn bè thắc mắc “Sao liều dữ vậy?”. Tay ngang, vốn lớn nhất là đam mê bảo vệ môi trường, vậy mà sau 5 năm miệt mài tìm hướng, từ một cửa hàng bé xíu vắng khách, đến thời điểm hiện tại, Hằng đã vận hành chuỗi tạp hóa xanh Limart - Zero Waste với nhiều dự án có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn khách trải nghiệm làm túi thời trang từ nylon tái chế tại tiệm tạp hóa xanh Limart.
Hướng dẫn khách trải nghiệm làm túi thời trang từ nylon tái chế tại tiệm tạp hóa xanh Limart.

Vì cần dùng nên mở tiệm

Cuối tuần rồi, tiệm tạp hóa Limart tại Quận 1 của Hằng tổ chức buổi hướng dẫn mọi người cách làm túi thời trang từ nylon đã qua sử dụng. Biết thông tin chương trình qua mạng xã hội, vì tò mò, chị Cái Vũ Xuân Nữ (quận Bình Thạnh) cùng bạn đăng ký tham gia. Hôm đó, Thịnh - nhân viên đặc biệt của Limart - được giao nhiệm vụ hướng dẫn chị Nữ làm túi nylon ép theo chủ đề “Đại dương”. Thấy khách bước vào, Thịnh cười tươi, cúi đầu chào rồi dẫn đến chiếc bàn có đặt sẵn máy ép, kéo, túi vải và xấp túi nylon cũ được xếp ngay ngắn. Thịnh khiếm thính, khả năng nghe rất kém, cách diễn đạt rất chậm, nhiều chỗ khó hiểu. Sợ khách giao tiếp chưa quen, Hằng vội đứng cạnh, thi thoảng trao đổi bằng thủ ngữ, dặn dò thêm nhân viên.

Thịnh khó nghe, chậm nói nhưng thao tác với kéo và nylon rất nhanh. Làm theo hướng dẫn, sau vài phút, chị Nữ đã cắt xong phần nylon trang trí. Thịnh làm mẫu rồi chăm chú nhìn chị Nữ ghép nylon trên miếng vải lớn trước khi tiến hành ép nóng để định hình. Đếm ngược 10 giây, tấm nylon trang trí gồm sóng biển, tảo và hình những chú cá bơi tung tăng đã hoàn thành trong sự phấn khích của người trải nghiệm. Từ tấm nylon ép thành phẩm, tùy theo nhu cầu, khách có thể tạo hình trên túi vải lớn nhỏ khác nhau. Cách làm cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần cắt và may hoặc ép lại bằng máy là xong. Cầm trên tay chiếc túi nhỏ do mình tự làm với nylon tái chế, chị Nữ vừa bất ngờ, vừa thích thú: “Mình không nghĩ từ vài bọc nylon cũ lại có thể tạo thành điểm nhấn cho chiếc túi vải xinh xắn như vậy. Từ trước đến nay mình chỉ hạn chế rác thải nhựa ra môi trường bằng cách dùng lại túi nylon nhiều lần nhưng đâu biết chỉ cần tái chế sáng tạo một chút, nó có thể tạo nên những sản phẩm thời trang đẹp mắt, tiện dụng”.

Chờ khách làm xong túi, chị Hằng dẫn đi một vòng tiệm tạp hóa giới thiệu các sản phẩm “xanh”. Chị nói, đây là những gì bản thân gom góp được sau nhiều năm thực hành “sống xanh” và muốn truyền cảm hứng để mọi người cùng nhau giảm rác thải ra môi trường. Từ một người muốn dùng sản phẩm thân thiện với môi trường mà tìm hoài không thấy chỗ vừa ý, Hằng nảy ra ý định khởi nghiệp, vừa trải nghiệm vừa thuyết phục mọi người sử dụng. Ban đầu, khi chưa biết nhiều về vận hành và sản xuất, Hằng tìm mua nhiều dòng sản phẩm “xanh” hữu ích từ các nơi có nguồn gốc rõ ràng về giới thiệu tại cửa hàng. Ống hút tre, xơ mướp chùi chén, xà-phòng thiên nhiên, nước rửa chén hữu cơ, bàn chải tre… các món đồ cần thiết trong đời sống thường nhật có thể thay thế cho đồ nhựa, sản phẩm dùng một lần dần được bày lên kệ. Về sau, cô gái 9X tìm cách tạo thêm nhiều sản phẩm riêng cho tiệm tạp hóa của mình với tiêu chí hạn chế rác thải, gia tăng tính tái chế và thân thiện với môi trường. Nhìn khách thích thú ngắm nghía và chọn mua những cục xà-phòng, dầu gội không bao bì hay chai rửa chén thuần chay do tiệm tự sản xuất, Hằng biết, bao nỗ lực đang được cộng đồng đón nhận.

Sản phẩm khiến Hằng tâm đắc nhất tại chuỗi tạp hóa do mình gây dựng chính là dòng túi thời trang làm từ nylon tái chế. Chẳng biết gì về may mặc hay rác thải nhựa, từ cuối năm 2019, Hằng quyết định… đi học. Trước hết, chị dành nhiều thời gian tìm hiểu về nylon, chất thải nhựa để chọn ra nguyên liệu tái chế phù hợp với dự án sắp triển khai. Xong phần nguyên liệu, Hằng lặn lội ra tận miền bắc tìm hiểu khung dệt, học cách dệt vải thủ công. Khi ấy, nhiều người bảo “Hằng điên”, bao nhiêu thứ không bán, bỏ công làm túi từ rác.

Dành toàn bộ số tiền tiết kiệm còn lại để mua máy dệt vải thủ công đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh, Hằng bắt đầu quá trình thử sai cho dòng sản phẩm mà mình ấp ủ bấy lâu. Rồi học cắt may, thiết kế, đủ cả. Trầy trật lắm, có lúc, Hằng tưởng sẽ phải dừng lại vì toàn thử thách, khó khăn. “Nylon không giống vải, ban đầu chưa hiểu, tôi làm đâu hư đó, phải mất mấy tháng trời mày mò. Đến khi tìm được cách dệt nylon, ra túi thành phẩm, mọi thứ lại quá đơn điệu nên thị trường không đón nhận. Tôi buồn nhiều nhưng đó là lúc nhận ra điểm yếu của bản thân. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm, hơn hai năm ròng rã, cuối cùng chẳng được gì. May mà lúc đó tôi không bỏ cuộc, tìm thêm đủ cách thay đổi mẫu mã. Cuối cùng, thật vui khi thị trường đón nhận và phản hồi rất tốt”, Hằng kể lại hành trình sáng tạo túi thời trang từ nylon tái chế, giọng còn chút bồi hồi.

Điều thú vị ở tiệm tạp hóa “xanh” ảnh 1

Chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm công việc với Thịnh, cậu nhân viên khiếm thính ham học hỏi.

Những cộng sự đặc biệt

Hằng khoe, sau gần một năm tung ra thị trường, gần 20 nghìn chiếc túi thời trang làm từ nylon tái chế đã được tiêu thụ. Túi Hằng bán có giá từ 79 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/cái tùy kích cỡ, kiểu dáng. Mỗi chiếc túi nylon dệt sẽ tái tạo vòng đời cho 15-30 chiếc túi nylon đã qua sử dụng. Phần nylon không thể đưa vào máy dệt sẽ được xử lý để sản xuất dòng túi thời trang nylon ép với giá thành thấp hơn. Nylon được Hằng cùng cộng sự thu gom từ cộng đồng thông qua chương trình quyên góp tại chuỗi tiệm tạp hóa “xanh” và nhận từ các đối tác là doanh nghiệp lớn. Nylon tái chế có đặc điểm là không đồng nhất về mầu sắc, kiểu dáng, ban đầu khá khó lên mẫu thiết kế. Thế nhưng về sau, Hằng đã biến cái khó thành điểm đặc biệt cho từng sản phẩm. Dòng túi thời trang nylon độc bản hoặc phiên bản giới hạn được người tiêu dùng đánh giá cao, mọi người ôm nhau ăn mừng thành quả bước đầu.

Sản phẩm tái chế ngày một nhiều, các chương trình truyền cảm hứng sống “xanh” của chuỗi tiệm tạp hóa ngày càng được đông đảo bạn trẻ đón nhận, Hằng thấy lòng khấp khởi. Thế nhưng, điều khiến chị hạnh phúc nhất khi vận hành một doanh nghiệp xã hội chính là tạo được thu nhập và niềm tin cho các cộng sự là người khuyết tật. Công ty của Hằng hiện có 15 thành viên, trong đó hơn 70% là người khuyết tật. Giao tiếp, bán hàng là phần việc được phân công cho nhân viên khiếm thị. Khâu sản xuất túi thời trang từ nylon tái chế, làm các sản phẩm thủ công là việc của nhân viên khiếm thính, câm điếc. Trong khi việc thiết kế, truyền thông thuộc về nhân viên khuyết tật vận động…

Nhớ lại giai đoạn đầu làm quen với cộng sự đặc biệt, nhiều lần Hằng thấm mệt. Vận hành một doanh nghiệp vốn ít, khởi nghiệp vào ngách nhỏ, gồng gánh thêm nhân sự là người yếu thế, Hằng chấp nhận bỏ ra gấp đôi, gấp ba thời gian, công sức và cả quyết tâm để đi đến cùng. Hằng học ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện với nhân viên làm túi, “nắm tay chỉ việc” để nhân viên khiếm thị tự tin giao tiếp, giới thiệu sản phẩm với khách hàng… Hằng chú ý từng nhân viên, biết họ giỏi ở đâu, yếu chỗ nào và phân công “đúng người đúng việc”. Công ty Hằng thường tổ chức các chương trình tập huấn nội bộ giúp từng nhân sự thấy rõ khả năng và những đóng góp của bản thân, từ đó cảm thấy vui vẻ khi tiếp tục hành trình. Bộ máy vận hành suôn sẻ, Hằng tập trung nghiên cứu nhiều sản phẩm mới. Giai đoạn này, chị còn đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới với mong muốn bổ sung các trạm “xanh” khắp thành phố, tạo thêm thói quen tiêu dùng lành mạnh cũng như nguồn thu nhập ổn định cho nhóm người yếu thế.

Bạn bè, người thân hay hỏi “Sao lại chọn con đường “khó gấp đôi” như vậy?”, Hằng biết rõ câu trả lời. Ngoài lý do muốn sống có ích cho xã hội, từ ngày bé, Hằng đã muốn làm thật nhiều điều cho cộng đồng người khuyết tật, người yếu thế. “Khi còn sống, ba tôi là một người khiếm thị. Được dưỡng nuôi, dạy dỗ bởi một người khuyết tật, tôi thấu hiểu những thiệt thòi mà ba tôi và nhiều người đang nếm trải. Tôi luôn muốn đồng hành với họ theo một cách riêng, để họ thấy tự tin trao đi giá trị của bản thân. Các cộng sự của tôi, ngày đến phỏng vấn, họ không đề nghị được giúp đỡ mà luôn muốn đóng góp chút gì đó cho cộng đồng. Và sản phẩm họ tạo ra đã làm được điều ấy. Họ gửi gắm được thông điệp sống “xanh”, sống có trách nhiệm”, Hằng vui vẻ cho hay.