Điều hành linh hoạt tỷ giá

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát khiến tỷ giá USD/VND tăng cao. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện tại, USD là đơn vị thanh toán chiếm phần lớn trong thương mại toàn cầu. Ảnh: BẮC SƠN
Hiện tại, USD là đơn vị thanh toán chiếm phần lớn trong thương mại toàn cầu. Ảnh: BẮC SƠN

Áp lực tỷ giá với điều hành chính sách tiền tệ

Để tiếp tục chống lại lạm phát, sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 7/2022, FED đã quyết định lần thứ hai liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75%, theo đó lãi suất cho vay qua đêm tăng lên 2,25 - 2,5%, là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Đây là lần thứ tư liên tiếp FED tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Chịu ảnh hưởng của chính sách này, giá USD đã có lúc tăng xấp xỉ 13% so với đầu năm 2022 và chạm đỉnh 20 năm.

Trên thị trường ngoại tệ thế giới, chỉ số DXY đo lường giá trị đồng USD so với sáu đồng tiền mạnh khác đã tăng thêm 0,76% trong tháng 7/2022 và tăng tới 10,7% sau bảy tháng đầu năm. Chỉ số DXY tăng cao là chỉ báo cho thấy tâm lý thị trường gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái của nước Mỹ.

Tại Việt Nam, theo đà tăng lãi suất của FED, tỷ giá USD/VND cũng tăng cao khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 4/7 phải nâng tỷ giá bán USD lần thứ hai kể từ đầu năm, từ 23.250 đồng/USD lên 23.400 đồng/USD (tăng 150 đồng/USD). Trước đó, ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng giá bán ra USD với mức 200 đồng/USD.

Bên cạnh đó, cung - cầu ngoại tệ kém tích cực, cán cân thương mại nửa đầu tháng 7 thâm hụt 2 tỷ USD, chênh lệch lãi suất hoán đổi VND-USD bị co hẹp, âm khoảng 0,5% đối với kỳ hạn một tuần khiến nhu cầu nắm giữ USD gia tăng dẫn đến USD khan hiếm… tiếp tục gây sức ép đối với nền kinh tế và chính sách điều hành tiền tệ.

Mặt khác, theo ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam, nếu FED tiếp tục nâng lãi suất theo lộ trình để kiềm chế lạm phát, đồng USD sẽ có xu hướng bị hút trở lại Mỹ. Hiện tại USD là đơn vị thanh toán chiếm hơn 40% thương mại toàn cầu, nên nếu giá tăng cao sẽ gây áp lực lên tỷ giá của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư A+ nhận định, giá USD tăng sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, có thể gây ra tình trạng chuyển dịch dòng vốn từ VND sang USD, làm giảm cán cân thanh toán, trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế do các khoản đầu tư và tiêu dùng trong nước giảm. Chưa kể, nếu lạm phát tăng cao sẽ nguy cơ, khiến mọi chi phí trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Những yếu tố trên sẽ tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước về nhu cầu tăng lãi suất cơ bản, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tài sản mang tính rủi ro như cổ phiếu, do các doanh nghiệp sẽ phải trả mức chi phí lãi vay lớn hơn, trong khi tăng trưởng có nguy cơ chậm lại.

Về các biện pháp ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022 thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, FED tăng lãi suất làm đồng USD quốc tế tăng giá, khiến cho đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt tỷ giá, thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ của chính sách tiền tệ. Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá.

Kẻ vui người buồn vì tỷ giá

Trong ngắn hạn, VND đang mất giá so với USD nhưng vì mức độ mất giá thấp hơn một số đồng ngoại tệ nên VND trở nên mạnh hơn tương đối so với các đồng tiền này, thí dụ đồng euro, đồng yên Nhật Bản, đồng ringgit của Malaysia, đồng kip Lào…

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, hiện nợ công (nợ Chính phủ) của Việt Nam ước khoảng 3,283 triệu tỷ đồng, trong đó 66,5% là nợ bằng VND; gần 14% là nợ bằng USD; 10,5% là nợ bằng đồng yên Nhật; 5,5% là nợ vay bằng euro… Từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng 1,1%, đồng euro giảm 9,5%, đồng yên giảm 13%, dư nợ Chính phủ của Việt Nam tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ đồng (tương đương 2%) so với dư nợ cuối năm 2021.

Đối với doanh nghiệp, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính Việt Nam, những doanh nghiệp nào đang xuất khẩu nhiều sang Mỹ thì được hưởng lợi do giá USD tăng, còn xuất khẩu nhiều sang EU, Nhật Bản lại gặp bất lợi vì hai đồng tiền này mất giá. Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu từ Mỹ gặp bất lợi trong khi nhập khẩu từ EU và Nhật Bản lại có lợi.

“Còn những doanh nghiệp nào vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu sang những thị trường này thì mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu nên không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ biến động tỷ giá”, ông Thịnh nói.

Mặt khác, những doanh nghiệp có cơ cấu nợ vay thiên về nợ bằng đồng USD sẽ bị gia tăng chi phí nợ; trong khi doanh nghiệp vay nhiều bằng euro và yên Nhật thì hưởng lợi.

Điều hành linh hoạt tỷ giá ảnh 1

Việt Nam có đủ tiềm lực để bình ổn thị trường và tỷ giá nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Triển vọng ổn định tỷ giá

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam, thời gian tới hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá so với USD, trong điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa do lo ngại suy thoái tại Mỹ và châu Âu gia tăng và giá dầu vẫn ở mức cao.

Đối với Việt Nam, ông Khoa cho rằng, về cuối năm kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục chịu áp lực do giá dầu cao, rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đe dọa đà hồi phục thương mại, cuộc xung đột Nga - Ukrain... Ngoài ra, khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm cũng làm tỷ giá USD/VND neo cao.

Tuy nhiên, chuyên gia HSBC tin rằng vẫn có cơ hội để tỷ giá USD/VND điều chỉnh giảm nhẹ nếu những rủi ro kể trên hạ nhiệt, cho phép Việt Nam tận dụng câu chuyện phục hồi kinh tế trong nước.

Còn ông Quan Đức Hoàng cho rằng, phân tích từ cả góc độ vĩ mô và vi mô, nếu VND giảm giá có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, do tiềm lực vững vàng của nền kinh tế Việt Nam, dòng tiền về bản chất chỉ là dịch chuyển từ các tài sản rủi ro sang các tài sản phòng thủ và tài sản nợ.

Để điều hành tỷ giá, theo ông Phan Khánh Linh, Ngân hàng Nhà nước có hai cách: Một là “bơm” USD từ kho dự trữ ngoại hối ra thị trường; hai là hút bớt tiền đồng về.

Theo dõi diễn biến thời gian qua thì thấy rằng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, cụ thể là kích hoạt lại kênh tín phiếu sau hai năm tạm dừng để hút bớt VND trong lưu thông. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, cơ quan này đã hút ròng gần 200.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Bên cạnh đó, số liệu từ các công ty chứng khoán cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 12-13 tỷ USD ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản USD trong hệ thống ngân hàng, qua đó hút về lượng tiền đồng xấp xỉ 300.000 tỷ đồng.

Nhận xét về động thái này của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Linh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết thị trường rất tốt, bằng chứng là tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm nay, trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia khác đã trượt giá từ 5% trở lên như Indonesia 6%, Malaysia 5%, Lào 30%, khối EU 12%, Nhật Bản 20%...

Nhìn xa hơn, ông Linh cho rằng, dư địa chính sách của Việt Nam trong điều hành tỷ giá vẫn còn do dự trữ ngoại hối còn khá dồi dào. Trong ba năm qua Ngân hàng Nhà nước đã nâng lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục 110 tỷ USD. Và nếu nhìn về mặt tích cực, VND đang trở nên khỏe hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.