Trong bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu (CP) và chứng chỉ quỹ (CCQ) của quý III-2018 tại HoSE đều là những tên tuổi và câu chuyện quá đỗi quen thuộc: SSI dẫn đầu với 15,79%, kế tiếp là HSC với 11,51%, các CTCK còn lại như FPTS, BVSC, BSC… cũng đều là những cái tên đã nhẵn mặt với nhà đầu tư (NĐT). Nhưng không phải CTCK nào “quen mặt” cũng nằm trong “top 10” kỳ này. Không quá khó để nhận ra sự vắng mặt của hai CTCK vốn nước ngoài là Maybank Kim Eng (MBKE) và KIS. Nếu như MBKE là cái tên quen thuộc của “top 10” hơn nửa thập kỷ qua thì KIS cũng thường xuyên lọt “top 10” trong vài năm gần đây. Đây cũng là hai CTCK nước ngoài hoạt động hiệu quả bậc nhất trên thị trường (TT) tính đến thời điểm này. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm?
Cần biết rằng rớt “top 10” ở thời điểm này không đồng nghĩa với thảm họa trong hoạt động kinh doanh, bởi lẽ quy mô thị phần trong hai năm rồi đã tăng lên mốc 4.000-5.000 đồng/phiên, gấp hai, ba lần so những năm trước đó. Nghĩa là thu nhập của một vài CTCK ngoài “top 10” vẫn có thể được bảo đảm. Điều này một mặt có thể giúp CTCK không chịu quá nhiều áp lực về mặt thị phần, tức là không phải giảm phí, giảm lãi suất margin, trả hoa hồng cao cho môi giới để có khách hàng.
Thậm chí, dân chứng khoán cách đây vài tháng còn bàn tán về thị phần của một CTCK tốp đầu, rằng dù nhìn có vẻ cao, nhưng lợi nhuận làm ra lại không bao nhiêu, chỉ đẹp ở cái “vỏ”. Thay vào đó, dù thị phần có thể chững lại, nhưng chất lượng dịch vụ được nâng lên cũng có thể xem là điều tích cực cho CTCK. Hay nói như tổng giám đốc một CTCK tầm trung, có những lúc CTCK của ông khuyến nghị NĐT hạn chế giao dịch để bảo toàn vốn, điều này có thể giúp NĐT tránh thua lỗ, nhưng CTCK cũng thiệt thòi về thu nhập.
Mặc dù KIS không nằm trong “top 10” thị phần cơ sở, nhưng đây lại là một trong gần chục CTCK đang tham gia TT phái sinh. Và trong số những CTCK đang được triển khai nghiệp vụ phái sinh có cả VPBS, VCBS là hai CTCK cũng không nằm trong “top 10” thị phần CP và CCQ. Cũng nên nhắc lại một chút về trường hợp của VPBS mới cách đây khoảng bốn năm còn là một đơn vị chạy đua thị phần rất quyết liệt, nhưng mật độ hiện diện trong “top 10” ngày một thưa dần. Còn VCBS cũng là một CTCK kỳ cựu, một tên tuổi lớn của TT trong thời kỳ hoàng kim 2006-2007.
Chính sự xuất hiện của TT phái sinh đã tạo ra bước ngoặt về thị phần. Theo đó, thay vì tốn kém chạy đua cho CP và CCQ, các CTCK có thể hướng đến phái sinh. Thậm chí nhờ phái sinh, các CTCK có thể tạo vị thế để quay lại TT cơ sở. Đó là trường hợp của CTCK BSC, trong quý III-2018 đã tiến vào “top 10”. BSC cũng là CTCK có thể triển khai nghiệp vụ phái sinh giống như KIS, VPBS, VCBS. Nói cách khác, chính nhờ phái sinh mà những tên tuổi một thời như BSC, VCBS cũng dễ dàng lấy lại vị thế của mình thay vì chỉ tập trung vào TT cơ sở như trước đây.