Xây dựng lịch trình ấy, dường như cơ bản là "bàn tay xếp đặt" của phụ huynh, của nhà trường với mục tiêu định hướng và lo toan cho con trẻ một tương lai gần tốt đẹp, hiệu quả, ý nghĩa nhất. Và cũng vì mong những cái "nhất" đó được bảo toàn, tiến triển, nên "người lớn" có xu hướng dành cho con em, học sinh rất nhiều thứ để ôn, để làm, để tích lũy... trên tinh thần phát huy năng lực, khơi mở tiềm năng, cố gắng hơn nữa, vươn dần đến đỉnh cao...
Rất nhiều những vun đắp, thúc đẩy. Đến mức, có khi gây áp lực, làm khó khăn, vất vả, nhọc nhằn cho con em. Và như thế, mùa hè, mùa nghỉ ngơi, thảnh thơi không biết tự bao giờ trở nên những ngày tranh thủ đi, vội vàng chơi, cấp tập trải nghiệm, rồi học như "đánh trận". Và cũng không hiểu từ bao giờ, mùa hè đã không đồng nhất với mùa nghỉ hè cho con trẻ mà là quãng thời gian để các em làm tiếp hoặc dồn dịch nhiều điều chưa thực hiện được trong năm học.
So sánh một chút, dù không thể đồng nhất và cho rằng ngày xưa hay hơn. Nhưng có thể thấy nhiều thế hệ trẻ em, học sinh các thập niên trước có được đầy đủ, trọn vẹn hơn mùa nghỉ hè của mình với thời gian chơi ở nơi cư trú, về quê nội, ngoại, đọc sách, tham gia sinh hoạt hè trong khu vực... Tuy rằng, khi ấy mức sống các em không được đầy đủ, sung túc bằng hôm nay. Trong khi, trẻ ngày nay có điều kiện vật chất hơn trước rất nhiều, nhưng hóa ra lại vẫn thiếu hụt, chưa được đủ đầy so thế hệ bố mẹ mình.
Áp lực học hành, không ít tệ nạn học đường, bệnh thành tích của cả một số nhà trường, một bộ phận giáo viên và không ít phụ huynh đã góp phần dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong thời gian dài qua. Và đối tượng được quan tâm săn sóc, rèn luyện, đáp ứng các nhu cầu phù hợp lứa tuổi, thể trạng, tâm sinh lý lại có xu hướng trở nên những người làm hài lòng, đáp ứng những đòi hỏi của người lớn.
Tất nhiên, có ai không mong điều tốt đẹp cho con trẻ. Nhưng nguyện vọng, tiếng nói của các em được lưu tâm như thế nào trong mối quan tâm, săn sóc, luyện rèn, giáo dục này là cả một vấn đề lớn mà người lớn, nhất là các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, thấu hiểu trên tinh thần tôn trọng, đồng hành. Và những gì chuẩn bị cho mùa hè-mùa nghỉ hè này cần hướng theo những tiêu chí để trẻ thích, trẻ hứng thú, trẻ được thoải mái, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.
Đó mới thật sự là mùa nghỉ hè của trẻ chứ không phải mùa hè mà người lớn nghĩ thay, quyết định hộ cho trẻ. Cũng như lâu nay, đã có nhiều ý kiến, cảnh báo chung quanh những vấn đề về việc giảm áp lực học hành cho trẻ; Trung thu là của trẻ em hay người lớn; làm sao để trẻ có Tết của mình; làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui... Và mùa hè cũng vậy, hãy giúp trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn trong thời gian nghỉ của mình.