Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 2)

Kỳ 2: Phát huy giá trị bản sắc
0:00 / 0:00
0:00
Bà con người Dao tiền (Hoài Khao) duy trì nghề thêu, in sáp ong.
Bà con người Dao tiền (Hoài Khao) duy trì nghề thêu, in sáp ong.

Với Cao Bằng, vùng đất 525 năm tuổi, bản sắc văn hóa là vốn quý, là mỏ vàng cần được khai phá. Không chạy theo xu hướng và các trào lưu mới, tỉnh định hướng và hướng dẫn bà con phát triển du lịch dựa trên những nét văn hóa bản địa tốt đẹp. Dù hiệu quả kinh tế chưa thấy ngay; cơ chế, chính sách chưa giải quyết các vấn đề thực tiễn… nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con đồng hành, đồng lòng, thống nhất trong cách nghĩ và cách làm, đi đến đâu gỡ khó đến đó, mong sớm cải thiện thu nhập từ ngành công nghiệp không khói.

Sống trên “mỏ vàng” văn hóa

Kể từ khi trở thành Làng du lịch cộng đồng vào năm 2022, bản sắc văn hóa, lịch sử, phong tục của người Dao tiền được quảng bá rộng rãi. Câu chuyện về vùng đất Hoài Khao, về nguồn gốc người Dao tiền, tín ngưỡng vật tổ, niềm tin tâm linh được chính những chủ thể văn hóa, như chị Bàn Thị Liên, Lý Thị Hương… chia sẻ, trở nên cuốn hút. Nghề thêu, in hoa văn sáp ong trước đây chỉ thực hành trong cộng đồng Dao tiền, nay được ứng dụng trong các hoạt động trải nghiệm du lịch và làm các sản phẩm lưu niệm.

Bên ánh lửa bập bùng, chủ - khách quây quần quanh mâm cơm đầy đặn các món ăn bản địa hấp dẫn như rau rừng, thịt lợn đen, gà bản, cá chép ruộng, ốc ruộng. Quần thể cảnh quan thiên nhiên miền sơn cước từng ghi dấu cuộc sống nhọc nhằn của bao thế hệ người Dao tiền, thì bây giờ trở thành điểm check-in hấp dẫn. Hang Ong, cây nhội (mạy phát), ruộng bậc thang… đều được khai thác, đưa vào tour du lịch đến Hoài Khao. Những hoạt động lao động sản xuất hằng ngày được du khách hào hứng, tìm hiểu. Bắt cá chép ruộng, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức các trích đoạn lễ cấp sắc độc đáo của người Dao tiền, nghe các làn điệu páo dung do đội văn nghệ của xóm biểu diễn… được “định danh” là sản phẩm du lịch đặc sắc của đồng bào Dao tiền. Để thổi hồn vào những di sản này, chính quyền địa phương phải rất “lâu công và kết hợp nhiều thứ”, mới định hình được nếp nghĩ trong bà con đồng bào về làm du lịch cộng đồng.

Là thủ phủ của người Dao, ở huyện Nguyên Bình, dân tộc Dao chiếm 57,2% dân số, trong đó có hai nhánh Dao đỏ và Dao tiền. Đồng bào Dao có kho tàng tri thức về y học dân gian phong phú, những bài thuốc quý đang được bảo tồn, lưu truyền hiệu quả. Ở xã Phan Thanh, nhân dân xóm Bình Đường tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao đỏ với các bài thuốc quý của cha ông được truyền lại đến nay. Xã thành lập nhóm “Cộng đồng dân tộc Dao đỏ, nơi bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền dân tộc Dao đỏ, gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc Dao đỏ”. Các thành viên vừa lưu giữ các bài thuốc cổ truyền, vừa giới thiệu, quảng bá và đưa các sản phẩm địa phương đến du khách, như chè ô long, miến dong, mận máu… Ở xã Vũ Minh, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn đối với kỹ thuật in hoa văn sáp ong của người Dao tiền, huyện Nguyên Bình đang hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ăm ắp di sản hiện hữu, nhưng làm du lịch là tiêu tiền chẵn, thu tiền lẻ. Để động viên bà con đồng bào làm du lịch cộng đồng bền bỉ, huyện Bảo Lạc xây dựng các chương trình, giải pháp tạo thêm công ăn việc làm, gia tăng thu nhập. Cùng nguồn lực từ Chương trình 1719, huyện vận dụng nhiều chính sách linh hoạt để lưu giữ, chọn lọc và bảo tồn những phong tục, văn hóa tốt đẹp, tiên tiến. Thấy nhà cửa, trang phục, ngành nghề truyền thống đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử của dân tộc mình không chỉ được bảo vệ, lưu giữ, mà còn góp phần phát triển kinh tế gia đình, bà con quan tâm và xắn tay cùng làm.

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 2) ảnh 1

Du khách trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô tại huyện Bảo Lạc.

Cần cách khai phá để “lộ thiên”

Để mang lại hiệu quả tốt hơn trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Nguyên Bình ban hành Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Nguyên Bình giai đoạn 2022-2025; kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030. Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết, để bà con tham gia làm du lịch cộng đồng, huyện đã đầu tư làm đường, kéo điện, hỗ trợ kinh phí phục dựng nhà sàn cổ, lợp lại mái ngói âm dương. Giai đoạn đầu, cán bộ cùng bà con chỉnh trang nhà cửa, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Từ nguồn vốn Chương trình 1719, huyện tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để giữ được nét văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, bản thân người dân phải ý thức được, làm du lịch là chuyển đổi sinh kế, thì hiệu quả mới rõ nét.

Có thể thấy, cộng đồng các dân tộc ở Cao Bằng đều sở hữu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, cần được khai phá bằng nhiều nguồn lực, thì “mỏ vàng” mới dần lộ thiên. Dù đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng đến nay, bà con đã có ý thức làm du lịch cộng đồng, tuy vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ, ngại khó, tư duy chậm thay đổi. Chặng đường còn dài, nhưng hiệu quả từ các chương trình, đề án bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới đã rõ nét, quan trọng là đã góp phần nâng cao nhận thức, dân trí và cải thiện môi trường sống vùng đồng bào; nhiều nghề thủ công đã mai một, nay được phục dựng. Thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà, ô nhiễm môi trường sống kéo dài qua bao thế hệ, khó thay đổi do nếp nghĩ, do thiếu quỹ đất. Từ chủ trương đón khách, bà con đồng lòng thực hiện di chuyển chuồng trại ra khỏi nơi ở, giữ gìn vệ sinh và cảnh quan chung. Bên cạnh nguồn thu từ du lịch cộng đồng, nhiều địa phương lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, cấp cây giống, con giống, dụng cụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của đội văn nghệ; mở lớp xóa mù chữ, biết viết, biết đọc, biết nói tiếng phổ thông… để bà con nâng cao khả năng giao tiếp với du khách.

Ông Nông Quốc Khôi, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Bản sắc văn hóa các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng đang được bảo tồn và chọn lọc theo hướng tốt đẹp và sâu sắc hơn. Việc lưu giữ bản sắc văn hóa không chỉ là tự tôn dân tộc mà còn gắn với sinh kế, tạo thêm thu nhập từ du lịch cộng đồng.

Thực hiện dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình 1719, năm nay, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ đầu tư 10 điểm du lịch cộng đồng, 23 điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các điểm du lịch cộng đồng chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư, bởi thiếu quy hoạch tổng thể phát triển. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và đơn giản. Các điểm du lịch chưa xây dựng được sơ đồ, chương trình du lịch cụ thể để khách tham quan trải nghiệm… Tài nguyên văn hóa, du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An cho biết: Du lịch Cao Bằng hiện nay vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Do điều kiện địa hình, địa lý, hạ tầng, lượng khách du lịch chưa cao, nên Cao Bằng chưa thu hút được đầu tư. Nếu có nguồn lực tốt hơn, nhiều mục tiêu trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững sẽ sớm đạt được.

(Còn nữa)

Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa (Kỳ 1)