Dấu hỏi phía sau một hành trình

"Giờ đây, chúng ta có thể tuyên bố rằng Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)!", Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngày 4/4, theo AFP.
0:00 / 0:00
0:00

Một sự phát triển được NATO chờ đợi và đón chào. "Đây sẽ là cột mốc tốt đẹp với an ninh của Phần Lan, khu vực Bắc Âu và toàn bộ khối", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, ngày 3/4.

Như vậy, sau khi vượt qua được rào cản cuối cùng để đạt được sự chấp thuận phê chuẩn từ Thổ Nhĩ Kỳ, tiến trình kết nạp Phần Lan vào NATO đã hoàn tất, với một tốc độ "chóng mặt" (Phần Lan và Thụy Điển mới nộp đơn xin gia nhập tại Hội nghị cấp cao NATO, vào tháng 6/2022).

Ở đó, NATO đã đưa ra khái niệm chiến lược mới, xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực, đồng thời đặt ra những định hướng chiến lược, làm cơ sở cho những quyết sách quan trọng trong tương lai gần.

Cũng phải nhấn mạnh, từ trước khi chính thức nộp đơn gia nhập NATO, Phần Lan vốn đã là đối tác mạnh mẽ, chia sẻ các giá trị của NATO. Phần Lan có quân đội hiện đại, bao gồm các thiết bị tương thích với hệ thống quân sự-quốc phòng chung của NATO. Đầu năm 2022, quốc gia Bắc Âu này đã hoàn tất việc mua 64 máy bay chiến đấu F-35 từ Công ty Lockheed Martin của Mỹ. Phần Lan cũng đáp ứng mục tiêu của NATO về chi tiêu quân sự (ở mức tương đương 2% GDP hằng năm).

Do đó, theo quan điểm của NATO, việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên giúp củng cố sức mạnh của liên minh, tạo cơ sở để khối đồng minh quân sự này có thể thực thi chính sách tăng cường hiện diện quân sự ở nhiều khu vực, nhất là Bắc Âu.

Nói như Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, NATO đang bước vào kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược, với những thách thức hoàn toàn mới. Bởi vậy, việc kết nạp thêm thành viên giúp NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương ổn định hơn.

Có lẽ xuất phát từ những sự thúc đẩy của lợi ích chung đó, bất chấp những "trắc trở" được đặt ra từ sức ép địa chính trị bên ngoài cũng như nội khối - đặc biệt là sự trì hoãn chấp thuận của Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng, quá trình kết nạp Phần Lan cũng đã khép lại suôn sẻ.

Ở trường hợp cụ thể này của Phần Lan, phải nói rằng NATO đã tìm kiếm được sự đồng thuận vượt trên các chia rẽ, bao gồm cả những "hiềm khích" giữa các thành viên, cũng như sự khác biệt về khả năng cam kết và thực hiện chi tiêu quốc phòng, hay cao hơn là cả những khoảng cách về quan điểm đối ngoại.

Song, xét cho cùng, việc một quốc gia chính thức xác nhận chấm dứt chính sách không liên kết quân sự - một chính sách đối ngoại truyền thống, đã được duy trì hàng chục năm qua - như Phần Lan (và bên cạnh họ, vẫn chờ được toàn bộ 30 thành viên hiện tại của NATO chấp nhận, là người láng giềng Thụy Điển) không phải là tín hiệu tích cực, đối với phần còn lại của thế giới.

Khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố: "Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng tôi đã kết thúc, và một kỷ nguyên mới bắt đầu", thì nền hòa bình và ổn định của kỷ nguyên ấy thực chất đã bị những bóng mây u ám phủ che.

Cho dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg "cẩn thận" làm rõ: "Sẽ không có binh sĩ NATO ở Phần Lan, nếu nước này không đồng ý", thì vấn đề cốt lõi vẫn không thay đổi: Đây là sự mở rộng chưa từng có trong lịch sử của NATO, về phía Bắc Âu, nối dài một hành trình "Đông tiến" không ngừng nghỉ từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Và do đó, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cùng ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đánh giá: "Việc NATO tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu làm gia tăng nguy cơ xung đột lan rộng". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho rằng đây là hành động "xâm phạm" an ninh Nga, và Moscow sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đối phó", theo hãng tin RIA.

"Các biện pháp đối phó" ấy, sơ bộ, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, sẽ là việc tăng cường lực lượng quân sự ở biên giới phía tây và tây bắc nước Nga…