Đặc sắc Việt Kim Diêu

Dưới ánh sáng tự nhiên, mầu xanh óng ả pha chút mầu nâu sẫm, chút trắng sữa… tất cả hòa cùng đường nét uốn lượn vô định tạo ra một cảm xúc rất riêng chỉ có ở gốm Việt Kim Diêu. Đây là “viên gạch” đầu tiên cho lối chơi gốm hai pha khi phối trộn đất sét cùng kim loại đồng, cũng là một minh chứng rõ rằng, sáng tạo nghệ thuật sẽ không có giới hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết cùng mẫu gốm Đạt Ma tổ sư.
Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết cùng mẫu gốm Đạt Ma tổ sư.

Cảm xúc dòng gốm hai pha

Những ngày đầu năm mới, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, ngụ phường Gia Hội, TP Huế (Thừa Thiên Huế) trải qua một cảm xúc chưa từng có. Bởi lẽ, chính bản thân nghệ nhân cũng không thể hình dung có ngày có thể cầm trên tay những sản phẩm mang tính chất nửa gốm, nửa kim loại như thế. Cái tên Việt Kim Diêu được anh Triết đặt cho “đứa con” tinh thần của mình mang theo nhiều hàm ý.

“Việt chính là tính ưu việt hay một nghĩa khác là Việt Nam, Kim là đại diện cho chất liệu kim loại và Diêu là gốm. Hàm ý mà bản thân tôi mong muốn là những sản phẩm mới này sẽ có tính ưu việt hơn so với gốm truyền thống của chúng ta. Những thành quả của khoa học kỹ thuật, cụ thể là trong lĩnh vực vật lý sẽ được chúng tôi áp dụng vào sản xuất, chế tác nên gốm Việt Kim Diêu”, nghệ nhân Triết cho biết.

Trở lại thời điểm năm 1990, người Nhật Bản đã tạo ra một dòng gốm kim loại (còn gọi là đất sét kim loại). Thời điểm đó, chính phát minh này đã làm thay đổi cách nhìn về gốm, đồ nữ trang, đồ thủ công… Theo đó, vàng và bạc được người thợ Nhật Bản nghiền thành dạng bột mịn để trộn cùng một hợp chất đặc biệt. Qua nhiệt độ cao, hỗn hợp trở về với dạng kim loại cứng chắc. Người Nhật gọi phát minh này là “metal clay”.

Nhận thấy tiềm năng “metal clay” của Nhật Bản, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết đưa kim loại đồng vào cùng nguyên liệu đất sét và một số loại phụ gia - điều mà nhiều nghệ nhân Nhật Bản cũng chưa phối trộn được. Quyết định táo bạo của anh Triết đã khẳng định được nét tài hoa của người thợ Việt Nam. Khi nung trong mức nhiệt 85oC, kim loại đồng quyện với hợp chất thuỷ tinh có trong đất sét giúp mẻ gốm thành phẩm mềm mại, ánh lên nhiều gam mầu bắt mắt.

Cầm trên tay đóa hoa hồng bằng gốm Việt Kim Diêu, anh Triết hào hứng: “Nét ấn tượng mà gốm Việt Kim Diêu có được là bởi khi phủ men, hàm lượng kim loại sẽ hòa tan vào men. Vẻ đẹp từ nước men hòa hợp với vẻ óng ánh đặc trưng của kim loại tạo cho người thợ một cảm xúc thăng hoa, rất thú vị”.

Dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu về gốm ở Thừa Thiên Huế, anh Triết cho rằng, xét về mặt địa lý, địa phương này không có quá nhiều thuận lợi về nguồn nguyên liệu đất sét làm gốm. Mặc dù trong lịch sử đã có nhiều nghệ nhân tay nghề cao quy tụ về đây, tuy nhiên trong mặt bằng chung của nghề gốm cả nước thì Huế chưa phải phát triển nhất. “Từ khoảng 200 năm trước cho đến nay, nhu cầu sử dụng gốm ở Huế luôn cao, yếu tố con người có tay nghề đã được khẳng định nhưng nghề gốm ở đây chỉ phát triển cầm chừng. Do đó, có thể hiểu cái thiếu ở đây là chất liệu đất sét đặc trưng”, anh nhận định.

Lấy chính điểm bất lợi để tạo ra giá trị vượt trội là bí quyết giúp cho gốm Việt Kim Diêu ra đời thành công. Xuất phát từ đất sét của địa phương Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), anh Triết tạo ra một hỗn hợp theo công thức, định lượng riêng. Dựa trên việc tính toán cẩn thận, mẻ gốm hai pha đầu tiên với tính chất nhẹ lửa mở ra cơ hội ứng dụng tốt vào cuộc sống. Theo đó, khái niệm “nhẹ lửa” nghĩa là gốm không quá mềm yếu sau khi nung, trái lại sẽ có độ đóng rắn (cứng) ngang sành, sứ. Yếu tố tiết kiệm thời gian và nguyên liệu khi nung cũng được người nghệ nhân hướng đến.

Đặc sắc Việt Kim Diêu ảnh 1

Lọ gốm Việt Kim Diêu dùng để xông trầm hương.

Tiềm năng cùng nghệ thuật đương đại

Cho đến hiện nay, gốm Việt Kim Diêu đủ điều kiện khẳng định là dòng gốm duy nhất ở Việt Nam có thể gắn kết những tấm kim loại nguyên chất, xù xì lên chất liệu đất sét, kể cả trên bề mặt đất sét cũ đã nung khô. Một tác phẩm chứa đựng tính thẩm mỹ cùng chuyên môn về vật lý của anh Triết chính là chiếc bình gốm cũ của làng Phước Tích được gắn kết thêm một phần kim loại đồng lên trên. Trong quy trình nung gốm truyền thống, từ hình khối ban đầu đến khi hoàn thiện khâu nung, mẫu vật sẽ giảm khoảng 20% cả về trọng lượng lẫn thể tích. Khi đó, việc gắn thêm nguyên vật liệu khác vào sẽ không thực hiện được. Nhưng điều bất ngờ là công thức của gốm Việt Kim Diêu đã giải quyết tốt vấn đề đó.

Để trải nghiệm đúng tinh thần sản phẩm thì cần có cái nhìn bao quát từ mỹ thuật, hội họa và nghề nung gốm thủ công. Những cộng sự đang làm việc cùng nghệ nhân Đỗ Hữu Triết là các họa sĩ tạo phôi gốm, thợ nung chắc tay trong khâu tạo men kim loại đặc thù. Nét độc đáo nằm ở việc dễ dàng khắc tia laser lên bề mặt gốm thành phẩm. Cái đẹp trong gốm sứ mà nhóm nghệ sĩ đang hướng đến là cái đẹp duy nhất, không tranh chấp hay so sánh với những địa phương, vùng miền khác. Đứng trước thực tế đó, dòng gốm nghệ thuật, trưng bày như Việt Kim Diêu là lối đi có độ khả thi cao. “Chúng tôi xác định không làm gốm hàng loạt mà sẽ là sự định hình riêng, dựa trên câu chuyện lịch sử văn hóa từng vùng, chẳng hạn là làng Phước Tích của Huế. Một sản phẩm đơn giản mà đủ nét tinh tế như lọ gốm xông trầm hương ở đây lại có nét duyên nhất định. Như hình ảnh tự do của một cánh chim đại bàng đang bay đón lấy làn khói trầm hương là tinh thần của người thợ đặt vào đó”, nghệ nhân Triết chia sẻ.

Mỗi ngày được sống cùng nghệ thuật gốm Việt Kim Diêu, từng cộng sự của anh Triết, như họa sĩ Đặng Mậu Tựu, đều có chung quan điểm cần bứt phá, làm mới hơn các giá trị cổ điển trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Tinh thần dân tộc thông qua những nước men xanh, men đỏ, men vàng, kỹ thuật nung đốt… nằm trọn bên trong mỗi tác phẩm gốm độc nhất. Đi tắt, đón đầu xu hướng mới là con đường để gốm Việt Kim Diêu hướng đến giá trị nghệ thuật đương đại.

Hành trình đi cùng dòng chảy nghệ thuật, trong đó có câu chuyện ra đời gốm Việt Kim Diêu của anh Triết chính là con đường tự do, tìm đến giá trị sau sẽ đẹp hơn giá trị đã đạt được. Từng bức tượng gốm thô, gốm đã nung có đường nét mềm mại, uốn lượn, mầu men xanh chính là tiềm năng mở ra giá trị cao trong việc thưởng lãm nghệ thuật đương đại. “Trong một giai đoạn nào đó, dựa trên cơ sở về ý thức, mỹ học, tư duy thời cuộc… sẽ đúc kết ra từng sản phẩm đúng giá trị đương đại. Hai chữ “đương đại” không có nghĩa là những điều trừu tượng, quá cao siêu…”, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết nhìn nhận.

Mỗi ngày, cảm giác phấn chấn sau khi chờ đợi bốn giờ đồng hồ để cho ra mẻ gốm hai pha hoàn hảo chính là chất xúc tác nghệ thuật hiệu quả nhất mà anh Triết nhận được. Giấc mơ của nhà khoa học vật lý về việc khẳng định năng lực trong chế tác gốm kim loại do chính người Việt Nam thực hiện dựa trên nền tảng văn hóa bản địa đã bước đầu thành công. Kỳ vọng của anh Triết luôn hướng đến là tính ứng dụng vào một phong cách chơi gốm độc đáo, mang lại xúc cảm cho người thưởng lãm.

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết tốt nghiệp Cử nhân vật lý. Năm 2005, đề tài nghiên cứu khoa học về pháp lam của anh được bảo vệ thành công tạo tiền đề cho sự hồi sinh pháp lam xứ Huế cho đến hiện nay.