Dám chuyển đổi, dám nắm bắt lợi ích số hóa

Chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ với đời sống và kinh doanh, nhưng vẫn cần có chính sách “mồi” để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải… loay hoay ở mãi điểm xuất phát.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tín hiệu tích cực về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhiều tín hiệu tích cực về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Mỗi nhà một chuyện

“Hơn 7.000 doanh nghiệp chuyển đổi số, là 7.000 câu chuyện khác nhau. Trong đó, cái khó tập trung vào vấn đề nhân sự và quản trị, vận hành. Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp nào chuyên môn hóa dữ liệu đủ tốt, sẽ làm nhanh, ngược lại nếu yếu mặt này, sẽ làm chậm và lâu”, ông Trần Văn Viễn - đồng sáng lập kiêm Giám đốc khu vực miền nam Base.vn, nhận xét về tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam trong sáu năm trở lại đây.

Base là công ty công nghệ cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp trên một nền tảng tích hợp duy nhất. Con số doanh nghiệp được ông Viễn đề cập chính là số khách hàng đã sử dụng Base cho công cuộc chuyển đổi số của mình, từ quản lý công việc, nhân sự, thông tin và giao tiếp nội bộ cho đến quản lý tài chính, tất cả được “nhóm” và xử lý tất cả trong một trên mọi trình duyệt gồm: điện thoại thông minh (iOS, Android), máy tính bảng, hoặc cài đặt trên máy tính để bàn.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà doanh nghiệp thu nhận được trong quá trình chuyển đổi số, nhưng thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp dù có nhu cầu vẫn chưa thể đưa vào áp dụng, hoặc chưa có kế hoạch tiếp cận. Vì sao vậy? Giám đốc nhân sự Công ty Cơ khí V.T (tại Đồng Nai) cho biết, tài chính là vấn đề khiến Ban Giám đốc công ty phải cân nhắc rất nhiều. Bên cạnh đó, việc quản lý có phù hợp đối tượng là đại đa số công nhân lao động họ đang quản lý hay không cũng là một câu hỏi.

“Nhìn chung, tư duy của nhà lãnh đạo là “hải đăng” cho các khối, phòng, ban căn cứ để cân nhắc mức độ chuyển đổi số và mức độ đầu tư đến đâu. Trải qua hai năm đại dịch, những công ty nào mà hoạt động chuyển đổi số chỉ mang tính phụ trợ, không làm thay đổi toàn diện bức tranh kinh doanh thương mại, thì sẽ tiếp tục chuyển đổi rất chậm, nếu không muốn nói là quay trở lại điểm xuất phát - chỉ nghe về chuyển đổi số nhưng chưa chuyển đổi được gì nhiều”, ông này chia sẻ.

“Vì đại dịch mà xu hướng tiêu dùng online lên ngôi, và chúng ta nghĩ rằng đây sẽ là xu hướng thống trị sau đại dịch. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Trong giai đoạn bình thường mới, xu hướng tiêu dùng cũng có sự mở rộng cả ở hai kênh số hóa và truyền thống” - ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam

Cùng chung quan điểm, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi, thói quen của người tiêu dùng và từ đó dẫn đến sự thay đổi, tạo động lực chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Huân, Tổng Giám đốc TCP Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Vì đại dịch mà xu hướng tiêu dùng online lên ngôi, và chúng ta nghĩ rằng đây sẽ là xu hướng thống trị sau đại dịch. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Trong giai đoạn bình thường mới, xu hướng tiêu dùng cũng có sự mở rộng cả ở hai kênh số hóa và truyền thống”, ông Huân nói.

Dù là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam, nắm giữ thị phần lớn đối với phân khúc sản xuất đồ uống, song lãnh đạo TCP Việt Nam vẫn tính toán đến việc đánh giá lại mô hình phân phối cũ. Bài toán đặt ra là làm sao để vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường tiện lợi nhất cho người tiêu dùng, vừa phát triển theo hướng phân phối, tiếp cận tiêu dùng cả online và offline trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.

Nói về kế hoạch ba năm tới, ông Huân cho biết, TCP Việt Nam sẽ đầu tư hàng trăm triệu USD cho các nhà máy, thúc đẩy sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn; đồng thời đặt mục tiêu tăng cường chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ trong quản lý và phân tích dữ liệu, sản xuất thông minh, quản lý dữ liệu đa kênh, đa tầng cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển cùng dòng chảy của công nghệ và thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giúp họ kết nối công việc và cuộc sống cá nhân một cách liền mạch, suôn sẻ hơn.

Có thể thấy chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp tiếp cận theo những cách khác nhau. Và tùy theo cách, hướng tiếp cận, định hướng chiến lược mà mức độ đầu tư cho công nghệ để số hóa ứng dụng công nghệ vào thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau.

Động lực “mồi” cho chuyển đổi số

Trên thực tế, một chuyên gia cho biết, chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp hiện cũng tương tự tình trạng ứng dụng các chuẩn mực quốc tế vào quản trị doanh nghiệp cách đây vài năm. Mặc dù công nghệ số là vô cùng mới mẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tư duy và định hướng theo cách cũ. Đó là áp dụng dựa theo cảm quan, và tiến hành theo “kinh nghiệm”. Do đó, tự làm mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là mất đi hiệu quả, tạo ra phản ứng ngược khiến chi phí nặng lên, kết quả không được bao nhiêu, doanh nghiệp “nản lòng”.

“Có thể nói, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang ở trạng thái dư thừa thông tin, nghe quá nhiều về chuyển đổi số nhưng thật sự khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Đồng thời, họ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu lượng thông tin phân lớp theo ngành nghề để áp dụng. Hay nói cách khác, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp chưa hiểu hết, nắm bắt hết được bản chất của số hóa”, ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thông tin PAT, chia sẻ.

“Có thể nói, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang ở trạng thái dư thừa thông tin, nghe quá nhiều về chuyển đổi số nhưng thật sự khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Họ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu lượng thông tin phân lớp theo ngành nghề để áp dụng. Hay nói cách khác, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp chưa hiểu hết, nắm bắt hết được bản chất của số hóa” - ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thông tin PAT

Vì vậy, theo ông Tuấn, doanh nghiệp cần được tư vấn để hiểu rõ bản chất chuyển đổi số cho ngành mình là gì, từ đó đặt ra nhu cầu đúng, lên kế hoạch đúng. Việc chọn nhà tư vấn đúng rất quan trọng để nắm bắt đúng và đi đến triển khai, vận hành hiệu quả.

Một tín hiệu tích cực, chỉ nói riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang sẵn sàng kết nối, chuyển đổi, ông Tuấn chia sẻ. Thông qua việc kết nối cùng ngân hàng xây dựng giao diện mở (Open API, qua đó xây dựng ngân hàng mở Open Banking), các doanh nghiệp dịch vụ, thương mại sẽ thấy hiệu quả của số hóa để tăng tốc và tiến đến góp phần xây dựng nền kinh tế API (API là giao diện lập trình ứng dụng - PV). Nền kinh tế API thay đổi cơ bản chuỗi giá trị kinh doanh nhờ cho phép giá trị được tạo ra từ các API không chỉ hoạt động độc lập mà còn tạo ra các ứng dụng mới và độc đáo từ sự kết hợp của một số API.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, với bức tranh về chuyển đổi hiện tại và mức độ chuyển đổi số chưa thể đồng bộ, muốn xác lập một mặt bằng nhất định, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân, vẫn rất cần: thứ nhất, sự truyền thông về số hóa từ Chính phủ và các tổ chức, qua đó giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức về chuyển đổi số; thứ hai, có cơ chế hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư công nghệ một cách cụ thể. Đây chính là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp dám chuyển đổi, dám “thử và sai” hoặc nhận thấy lợi ích số hóa ngay trong thực tế. Cũng từ đó, mức độ số hóa trong doanh nghiệp sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Hiện đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Đơn cử, Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Đây sẽ là những hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp.