Doanh nghiệp trụ được qua đại dịch dù ở quy mô nào cũng đều rút ra những bài học quý báu cho riêng mình. Sóng gió rồi sẽ vượt qua nếu như người thuyền trưởng có được thủy thủ đoàn tinh nhuệ và sẵn lòng ở lại thuyền dù hiểm nguy kề cận. Nếu tạo dựng được mối quan hệ đồng cảm vì một mục tiêu chung giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động, không có khó khăn gì không thể vượt qua, ông Nguyễn Hải Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Gama Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ.
Dù ngành thang máy còn non trẻ ở Việt Nam, nhưng thị trường có độ cạnh tranh tương đối khốc liệt bởi sự tham gia của những đối thủ ngoại. Với một doanh nghiệp có quy mô tầm 150 cán bộ, công nhân viên, Công ty cổ phần Gama Việt Nam tự đặt ra yêu cầu, cần phải chuẩn hóa nhân lực, đặc biệt, người lao động và đội ngũ lãnh đạo đều phải liên tục làm mới mình.
Nếu tạo dựng được mối quan hệ đồng cảm vì một mục tiêu chung giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động, không có khó khăn gì không thể vượt qua.
(Ông Nguyễn Hải Đức)
“Chúng tôi chia đào tạo nội bộ thành ba mức: đào tạo chuyên môn cho cán bộ hành chính nói chung; đào tạo cho công nhân kỹ thuật trực tiếp làm việc ở công trình lắp đặt; đào tạo năng lực quản trị cho cán bộ quản lý tiềm năng và cao cấp. Đặc biệt, cần đào tạo được tâm thế để mỗi người thấy được bổn phận trong công việc của mình. Khi lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân hiểu nhau, ai cũng sẽ làm việc trách nhiệm và thân tình”, Giám đốc Nguyễn Hải Đức chia sẻ.
Nhìn rộng ra cộng đồng doanh nghiệp, hiện đào tạo nội bộ giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đây chính là cầu nối hoàn hảo để kết nối tổ chức và doanh nghiệp cùng hướng về mục tiêu phát triển chung.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe, chia sẻ: “Trong khi doanh nghiệp muốn nâng cao kỹ năng, trình độ của nhân viên, thúc đẩy hiệu suất làm việc và kinh doanh thì việc thường xuyên duy trì tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo nội bộ để cập nhật kiến thức, xu hướng mới trong công việc là không thể thiếu.
Kết quả mới nhất từ khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” do Anphabe thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8/2022 trên hơn 20.000 người đi làm cả nước cũng cho thấy người đi làm ngày càng chú trọng nhiều hơn vào nhu cầu được huấn luyện và tạo nền tảng phát triển. Cụ thể, trong tốp 5 mục tiêu nghề nghiệp được người đi làm quan tâm nhất 2022, mục tiêu được huấn luyện và tạo nền tảng phát triển chỉ đứng sau những nhu cầu cơ bản của người đi làm như: thu nhập, công việc ổn định, cân bằng công việc và cuộc sống”.
Cũng theo một kết quả nghiên cứu gần đây của Anphabe, mức độ gắn kết của người đi làm đang thấp chưa từng có. Trong đó, các biểu hiện thiếu tích cực nhất bao gồm việc người lao động thấy mơ hồ về tương lai tại công ty; không tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi khi đi làm. Do đó, tạo trải nghiệm cho nhân viên, lắng nghe nhu cầu và kỳ vọng của họ trong suốt quá trình quản trị nhân sự ngay từ bước thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài để có những điều chỉnh tối ưu nhất cũng là khuyến nghị được bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Truyền thông nội bộ đã trở thành một trong những hạng mục được doanh nghiệp lựa chọn đầu tư. Anh Đặng Hồng Thái (nhà sáng lập YBOX.VN - Kênh thông tin của sinh viên và giới trẻ Việt Nam), người tạo kênh để người cần việc và nhà tuyển dụng “gặp” nhau, chỉ ra: “Truyền thông nội bộ cực kỳ quan trọng bởi đây là kênh để nhân viên có thể được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình và lãnh đạo cấp cao có thể nắm bắt được các vấn đề phát sinh trong quản trị doanh nghiệp để có những quyết sách đúng đắn”.
Là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung đầu tiên tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đều đặn hằng tháng tổ chức khóa đào tạo thị trường hàng hóa cơ bản và môi giới nâng cao đối với tất cả các thành phần tham gia thị trường. Đại diện Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho hay: “Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang bước ra “sân chơi” quốc tế, do đó chịu tác động trực tiếp từ những biến động liên tục trên thế giới. Muốn phát triển thị trường một cách minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả, rất cần phải tập trung cho công tác truyền thông và đào tạo nội bộ bởi chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn”.
Đồng quan điểm, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), lưu ý: “Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đòi hỏi kỹ năng làm việc thay đổi từng ngày theo cấp độ phức tạp hơn. Bản thân mỗi nhân sự cũng cần nâng cấp những kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc như sử dụng công cụ kỹ thuật số, tìm kiếm, kết nối thông tin, phân tích và vận dụng số liệu…”.
Để không ai bị bỏ lại phía sau, người lao động ngày càng có ý thức hơn trong học hỏi nghiệp vụ, còn phía chủ doanh nghiệp, cũng đã “xuống tay” mạnh mẽ cho các khoản đầu tư vào nguồn vốn đặc biệt - nguồn nhân lực.