"Chìa khóa" bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững

Trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ra những tác động cực đoan và không thể đảo ngược với con người và hệ sinh thái, chính phủ các nước phải thực hiện nhiều chính sách giảm phát thải CO2 để ngăn chặn đà nóng lên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Các trang trại điện gió và điện mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào để sản xuất hydro xanh. Ảnh: Ngọc Hương
Các trang trại điện gió và điện mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào để sản xuất hydro xanh. Ảnh: Ngọc Hương

Việt Nam cũng đang thúc đẩy chuyển dịch năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhất là các nguồn năng lượng sạch mới, để bảo đảm hài hòa giữa phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.

Cơ hội phát triển từ xã hội hóa đầu tư

Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Gần đây nhất, trong Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công thương đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời sẽ chiếm tới 50,7%.

Xuất phát từ lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng sự quan tâm của Nhà nước, những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư tư nhân vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt sau khi Chính phủ đưa ra cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thống kê từ Bộ Công thương cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Gần đây nhất, trong Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công thương đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời sẽ chiếm tới 50,7%.

"Chính sách về năng lượng tái tạo đã huy động hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính thương mại trong nước, quốc tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, giảm gánh nặng đầu tư nguồn điện cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần khai thác hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, huy động nguồn lao động sẵn có và bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương", Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng có không ít khó khăn và thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của các nhà máy năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua, trong khi hệ thống lưới điện truyền tải không theo kịp, dẫn tới nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất, không chỉ lãng phí năng lượng, mà còn gây ra thiệt hại tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58-14,41 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030 (chưa tính vốn cho xây dựng nguồn phát mới), tạo ra áp lực rất lớn đối với Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn. Chính vì vậy, một trong những giải pháp khả thi để thu hút nguồn vốn đầu tư cho chuyển dịch năng lượng là đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo mới, chẳng hạn hydro xanh, để không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững mà còn thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Hình thành chuỗi giá trị hydrogen hoàn chỉnh

Khác với hydro xám và hydro lam, hydro xanh được sản xuất nhờ vào quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để điện phân nước thành hydro và oxy, không phát thải khí CO2 ra môi trường. Tuy chỉ đang chiếm khoảng 0,1% sản lượng hydro toàn cầu, nhưng hydro xanh được xem là "tân binh" đầy tiềm năng.

Hydro xanh có thể được lưu trữ theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào trạng thái của nó (thể khí, lỏng, hay rắn). Là nguyên nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, hydro xanh trở thành mục tiêu theo đuổi trong chiến lược phát triển năng lượng của nhiều quốc gia để hướng đến mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Được kỳ vọng sẽ là "chìa khóa" cho một nền kinh tế carbon thấp, hydro xanh đồng thời là giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Chẳng hạn, thời điểm điện năng sản xuất từ nhà máy điện gió và mặt trời quá lớn so với nhu cầu phụ tải, lúc đó phần điện năng dư thừa sẽ được sử dụng để sản xuất hydro xanh.

Được kỳ vọng sẽ là "chìa khóa" cho một nền kinh tế carbon thấp, hydro xanh đồng thời là giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Có hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất hydro xanh là chi phí điện đầu vào (chiếm tới 80%) chi phí điện cực và chi phí lưu trữ, vận chuyển khiến giá thành hydro xanh vẫn còn ở mức cao. Theo nhận định của các chuyên gia, với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, cùng với sự hoàn thiện công nghệ sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp sản xuất hydrogen, nhờ đó giá thành hydro xanh sẽ được kéo giảm, đặc biệt từ sau năm 2030.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực đầu tư hydro xanh ở Việt Nam đã nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Một số dự án nhà máy với số vốn đầu tư hàng chục tỷ USD tại Bến Tre, Quảng Trị, Bình Định, Trà Vinh, Bình Thuận… đã được khởi động. Đây là những tín hiệu tích cực để phát triển hydrogen ở Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhìn nhận: Với tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, hydro xanh có thể được phát triển và sử dụng thay thế dần cho các loại nhiên liệu hóa thạch và hydro xám đang được sử dụng trong các lĩnh vực: lọc dầu, đạm, điện, giao thông vận tải, thép và xi-măng.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu nói trên, cần áp dụng các chính sách phát triển hydrogen phù hợp, đồng bộ nhằm hình thành chuỗi giá trị hydrogen hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Các chính sách được xây dựng trên cơ sở kết hợp tính khuyến khích và bắt buộc để bảo đảm phát triển hài hòa trong tất cả các lĩnh vực và mục tiêu phát triển chung của quốc gia, bao gồm: ưu đãi các loại thuế, phí và áp dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho các công đoạn sản xuất, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen giai đoạn chuẩn bị đến năm 2030, thực thi chính sách thuế carbon, và lộ trình về tỷ lệ phối trộn/sử dụng bắt buộc hydrogen trong các lĩnh vực.

"Việc áp dụng các chính sách khuyến khích ưu đãi và bắt buộc (thuế carbon) nhằm bảo đảm được sự cạnh tranh của hydrogen trên thị trường năng lượng so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Các chính sách này sẽ được áp dụng trong những thời hạn cụ thể, có thể được thay đổi linh hoạt tùy theo sự phát triển của thị trường và công nghệ trong lĩnh vực hydrogen để bảo đảm sự phát triển hài hòa trong các lĩnh vực và mục tiêu phát triển chung của Việt Nam", đại diện VIETSE nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại Quyết định số 888/QÐ-TTg, ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, đó là: rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh của các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sản xuất nhiên liệu xanh, sạch.