Sẵn sàng cho... khủng hoảng

Khi đại dịch Covid-19 đã bắt đầu lắng dịu, có lẽ không ai chờ đợi việc nền kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn phải tiếp tục đối diện những chân trời đầy giông bão. Song, thực tế, những viễn cảnh tồi tệ nhất dường như cũng mới chỉ bắt đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát - nỗi ám ảnh chung. Ảnh: The Economic Times
Lạm phát - nỗi ám ảnh chung. Ảnh: The Economic Times

1. Ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức lãi suất chưa từng có kể từ khi đồng tiền chung châu Âu, euro, ra đời năm 1999. Và bình thường, ECB cũng chỉ tăng mỗi lần khoảng 0,25 điểm phần trăm.

Lý do mà Hội đồng điều hành ECB đưa ra, nhằm giải thích động thái lạ thường này, là nhằm hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao kỷ lục: 9,1%, điều khiến người tiêu dùng gặp khó khăn cũng như đẩy nền kinh tế châu Âu vào nguy cơ suy thoái. Việc tăng mạnh lãi suất là nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp... điều mà trên lý thuyết sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư, đồng thời hạ nhiệt lạm phát, thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa.

Vấn đề là, như các chuyên gia kinh tế thế giới dự đoán đầy bi quan, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn có thể lên tới hai con số, vào những tháng tới. Thậm chí, việc ECB tăng lãi suất còn có thể làm nghiêm trọng thêm suy thoái kinh tế ở châu Âu vào cuối năm nay và đầu năm tới theo dự báo.

Eurozone là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, và bên cạnh đó, như phân tích của hãng Bloomberg, lạm phát chính là mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống kinh tế toàn cầu trong năm 2022 này. Bloomberg từng dẫn một nhận định của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, vào tháng 12/2021, rằng: “Nỗi lo sợ của tôi là chúng ta đã đạt đến một thời điểm mà những nỗ lực giảm lạm phát nhưng vẫn cố gắng không làm phát sinh suy thoái sẽ gặp nhiều thách thức”.

Đầu tháng 8/2022, lạm phát ở Mỹ lên đến mức cao nhất trong vòng 40 năm, khi mức chi phí dành cho hàng hóa và dịch vụ đã tăng 8,5% so một năm về trước. Cũng như ở cựu lục địa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục phải “hành động mạnh mẽ”, đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất, mới có thể giúp tình trạng lạm phát giảm nhiệt nhẹ vào đầu tháng 9 này. Tính trong năm 2022, FED đã bốn lần nâng lãi suất.

Song, theo dự đoán của một số chuyên gia Phố Wall, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể đi vào suy thoái từ cuối năm nay đến đầu năm sau.

Trung Quốc, nền kinh tế nằm trong “tốp 3” thế giới còn lại, cũng không thể “tăng tốc” do gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và thương mại.

2. Với những gì đang diễn ra tại ba khu vực kinh tế “đầu tàu” ấy, không có gì bất ngờ khi từ mùa hè, những dự báo tăng trưởng kinh tế đã liên tục sụt giảm.

Ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4.

Chi tiết hơn, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Sau hơn hai năm đại dịch, cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022. Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Do đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm xuống gần một nửa, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Thậm chí, kể cả khi không để tâm đến những số liệu khô khan đó, bất cứ ai quan tâm cũng có thể dễ dàng nắm bắt được xu hướng chung không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, thông qua những dữ kiện cơ bản: Chưa kịp hồi phục hoàn toàn từ sức tàn phá của đại dịch Covid-19 suốt hai năm, guồng máy kinh tế thế giới đã tiếp tục bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các tác động từ xung đột địa chính trị, nhất là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền đông Ukraine.

Giá năng lượng (dầu mỏ và khí đốt) liên tục tăng cao, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời tạo những áp lực rất lớn (chi phí sinh hoạt, giá lương thực, giá điện) lên các chính phủ (ở châu Âu và Mỹ), buộc họ phải tiếp tục giải ngân những biện pháp cứu trợ khổng lồ nhằm giảm sức ép cho người dân, trong khi những nguồn lực dành cho phát triển kinh tế bị thu hẹp.

Thêm vào đó, nỗi ám ảnh về khả năng đại dịch bùng phát trở lại, song hành các hệ lụy khắc nghiệt của tiến trình biến đổi khí hậu và môi trường, cũng khiến bức tranh tổng thể chung phủ thêm nhiều gam màu tối.

Sẵn sàng cho... khủng hoảng ảnh 1

Cùng với các vấn đề hậu đại dịch, tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu cũng tạo nên các hệ lụy tiêu cực cho guồng máy kinh tế thế giới. Ảnh: NASA

3. Dĩ nhiên, cũng không phải không có những nền kinh tế vẫn ở trong vùng sáng. Chẳng hạn, vào ngày 7/9, theo tờ The New York Times, đại diện Chính phủ Ấn Độ cho biết, nền kinh tế của nước này vẫn đang trên đà tăng trưởng 7% hoặc hơn trong năm nay. Ấn Độ hay Trung Quốc hoặc các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cũng hưởng lợi từ những hệ lụy của cuộc chiến năng lượng toàn cầu đang diễn ra. Bên cạnh họ, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng tìm được cơ hội riêng, trong tiến trình dịch chuyển, thay thế và tái xác lập các chuỗi cung ứng then chốt.

Tuy vậy, khi ba cỗ động cơ mạnh nhất của nền kinh tế toàn cầu đều còn đang lao đao bởi lạm phát hay các vấn đề xã hội, khi xung đột và chiến sự vẫn khiến năng lượng-“mạch máu” của mọi quy trình sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm... bị tắc nghẽn, khi những dòng tiền chảy chệch khỏi các dự án hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại..., việc IMF chỉ đặt dự báo tăng trưởng cho năm 2023 từ 3,6% hồi tháng 4 xuống còn 2,9% có lẽ cũng là điều không có gì đáng ngạc nhiên.