Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup và đóng góp của doanh nghiệp cho phát triển nghiên cứu khoa học ở Việt Nam

Thế giới đã bước qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong thời kỳ tiến hành cuộc cách mạng thứ tư. Các cuộc cách mạng công nghiệp này có ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia liên quan. Nước Anh, tâm điểm của cuộc cách mạng thứ nhất, từ một nước trung bình cả về diện tích lẫn dân số ở châu Âu, đã vươn mình trở thành cường quốc số một toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Vũ Hà Văn.
Giáo sư Vũ Hà Văn.

Cuộc cách mạng lần thứ ba đã giúp cho Hàn Quốc, một nước nghèo ở châu Á, bị tàn phá gần như hoàn toàn trong chiến tranh, bước lên trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới hiện nay.

Hiện tại, Việt Nam đang có một số điều kiện cần khá thuận lợi như: lực lượng lao động trẻ, có tính thức ứng cao, ham học hỏi..., để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam có trở thành một nước phát triển trong tương lai gần hay không, phụ thuộc lớn vào việc chúng ta có tận dụng được các điều kiện này hay không. Một trong những yếu tố tiên quyết ở đây là việc đầu tư nghiên cứu khoa học đỉnh cao và đào tạo được một đội ngũ trí thức trẻ đông đảo ở trình độ quốc tế.

Ở các quốc gia tiên tiến, đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học đóng vai trò chủ yếu, chiếm một tỷ trọng khá lớn từ tổng thu nhập quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của các quỹ tư nhân phi lợi nhuận cũng cực kỳ quan trọng. Ưu thế của các quỹ này là sự nhanh nhạy trước nhu cầu của xã hội, có nguồn đầu tư bền vững và phi lợi nhuận, các chính sách xét duyệt và nghiệm thu có thể giúp cho các nhà khoa học dấn thân vào các chương trình dài hạn mà không phải quá bận tâm các thành tựu ngắn hạn, mang tính đối phó.

Trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, có rất nhiều quỹ tư nhân tài trợ cho các hoạt động khoa học. Điển hình là Quỹ Sloan (Mỹ), do ông Sloan, khi đó là Chủ tịch Tập đoàn General Motors, thành lập năm 1934, chuyên tài trợ cho các nhà khoa học trẻ tài năng (từ năm 1953 đến nay, 53 người trong số họ đã được giải Nobel và 17 người được giải Fields). Thế nhưng, ở nước ta, tài trợ khoa học chưa phải là nét nổi bật trong các hoạt động thiện nguyện. Để khởi động được phong trào này cần một doanh nghiệp mạnh mẽ, có tầm nhìn vượt trội, dám nghĩ dám làm.

Lần đầu tiên một quỹ tư nhân tài trợ cho việc phát triển khoa học công nghệ của đất nước hoàn toàn phi lợi nhuận với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Và với Tập đoàn Vingroup, chúng ta đã có một doanh nghiệp như thế. Quỹ VINIF (Vingroup Innovation Foundation - Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup) đã được thành lập vào thời điểm mà nền khoa học Việt Nam cần tới nó nhất. Theo tôi, sự ra đời của quỹ (tháng 8/2018) đã ghi một dấu ấn quan trọng trong việc phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam. Lần đầu tiên một quỹ tư nhân tài trợ cho việc phát triển khoa học công nghệ của đất nước hoàn toàn phi lợi nhuận với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Tôi vẫn nhớ rất rõ quyết định thành lập quỹ trong một cuộc nói chuyện dài với anh Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, hơn bốn năm trước đây mà tôi đã từng kể lại: “Trong câu chuyện, anh Vượng chia sẻ ý tưởng xây dựng Vingroup phát triển theo hướng công nghệ. Nhưng hơn cả anh ấy mong muốn Việt Nam sẽ phát triển hơn về công nghệ, về nghiên cứu khoa học, xây dựng được một đội ngũ trí thức tinh hoa mạnh mẽ và đông đảo. Mặc dầu việc này rất khó khăn, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, đó có lẽ là con đường khả dĩ nhất, nhanh nhất để nước ta phát triển tốt hơn, hoặc đơn giản là người dân sẽ có thu nhập cao hơn.

Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đội ngũ trí thức ở Việt Nam là một điều mà tôi và rất nhiều bè bạn đã trăn trở từ lâu. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi nói với anh Vượng về việc thành lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu, mà qua đó mình có thể chủ động tài trợ cho các nhà khoa học với các dự án sáng tạo, đặc biệt những người trẻ tuổi vừa từ nước ngoài về vẫn còn đang lúng túng về cơ chế, mà dần buông rơi kiến thức. Quỹ sẽ tài trợ rất mạnh mẽ những dự án có ích cho xã hội, và qua đó tôi hy vọng nhà khoa học có cơ hội cống hiến hết mình. Anh Vượng đồng ý lập quỹ cùng với việc thành lập Viện Big Data. Với tôi, đó là cơ hội không thể tốt hơn để giúp cho nền khoa học Việt Nam...”.

Mục đích đầu tiên của VINIF là tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup nói chung và những người điều hành quỹ nói riêng còn muốn VINIF hướng đến việc tạo lập một văn hóa nghiên cứu khoa học sáng tạo, trung thực, chuẩn mực quốc tế cao và một thế hệ các nhà khoa học trẻ không những có năng lực, mà còn có quan niệm đúng đắn về nghiên cứu khoa học và trách nhiệm xã hội. Văn hóa nghiên cứu trung thực này được thể hiện tức thời qua quá trình xét chọn rất công tâm và kỹ càng của quỹ. Nó sẽ được truyền qua các nhà khoa học trẻ không chỉ bằng những khoản tài trợ, mà còn qua các sinh hoạt ngoại khóa của câu lạc bộ VINIF Alumni, hiện đã có gần 1.000 hội viên gồm những nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất trên toàn quốc.

Sau ba kỳ xét duyệt đầu tiên, quỹ đã ký hợp đồng tài trợ giá trị hơn 700 tỷ đồng và giải ngân hơn 400 tỷ đồng (các dự án khoa học đều kéo dài nhiều năm). Số tiền này, tuy lớn, cũng chỉ là một phần tác động của quỹ. Tác động sâu xa hơn là số tiền đó được dùng vào những vấn đề được coi là điểm nóng của xã hội, để tìm ra các phương hướng giải quyết hiệu quả, bền vững và có tính lan tỏa.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ, lực lượng làm khoa học chính ở Việt Nam luôn là điều được xã hội quan tâm và tranh cãi trong rất nhiều năm gần đây. Tiêu chí thấp và nhiều luận văn yếu kém được giới truyền thông mổ xẻ hằng năm. Nhưng một phần nguyên nhân là bản thân việc làm luận án tiến sĩ chưa được nhìn nhận đúng đắn. Nó phải được nhìn nhận như một nghề nghiệp chứ không phải chỉ là đạt một danh hiệu hay bằng cấp. Bởi vậy, hầu hết nghiên cứu sinh tiến sĩ ở các nước tiên tiến được trả lương, dù thấp nhưng đủ trang trải các chi phí tối thiểu, để họ yên tâm dành thời gian vào nghiên cứu.

Tại Việt Nam, VINIF là quỹ tư nhân đầu tiên làm việc đó (mức lương hiện tại là 150 triệu đồng/năm cho sinh viên làm tiến sĩ). Gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã cấp những khoản học bổng tương tự. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ trở thành chuẩn chung trong việc đào tạo tiến sĩ.

Chảy máu chất xám là một vấn đề nóng bỏng khác của chúng ta. Một hiện tượng khá phổ biến là các bạn trẻ có năng lực ra nước ngoài học rồi không quay về nước làm việc nữa. Nhưng ngay cả ở trong nước cũng có khá nhiều nhà khoa học trẻ phải bỏ nghề vì lương quá thấp không thể theo được con đường nghiên cứu. Học bổng hậu tiến sĩ của VINIF, chuyên dành cho các nhà khoa học trẻ vừa tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng một vài năm, góp phần giải quyết vấn đề này. Gần 70% số người được quỹ cấp học bổng này (xấp xỉ 350 triệu đồng/năm) là những nhà khoa học vừa nhận bằng tiến sĩ tại các nước tiên tiến ở Tây Âu, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., trở về Việt Nam làm việc.

Sau ba kỳ xét duyệt đầu tiên, quỹ đã ký hợp đồng tài trợ giá trị hơn 700 tỷ đồng và giải ngân hơn 400 tỷ đồng (các dự án khoa học đều kéo dài nhiều năm). Số tiền này, tuy lớn, cũng chỉ là một phần tác động của quỹ. Tác động sâu xa hơn là số tiền đó được dùng vào những vấn đề được coi là điểm nóng của xã hội, để tìm ra các phương hướng giải quyết hiệu quả, bền vững và có tính lan tỏa.

“Học có đi đôi với hành?” là một câu hỏi quan trọng cho giáo dục đại học. Làm sao sinh viên mới ra trường có đáp thể ứng ngay nhu cầu của các công ty công nghệ hiện đang phát triển rất nhanh, trong khi chương trình dạy học không thể chạy theo kịp các bước tiến của công nghệ và cơ hội cọ xát với các dự án thực sự cũng gần như không có? Từ ý tưởng của lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, chương trình đào tạo kỹ sư AI tại Viện Big Data đã ra đời.

Sinh viên giỏi của các trường công nghệ vừa tốt nghiệp hay sắp tốt nghiệp, được tuyển vào chương trình này theo một quy trình sát hạch đặc biệt. Sau đó họ được các chuyên gia đào tạo chuyên sâu về lý thuyết theo các hướng nghiên cứu “nóng” trên thế giới và tham gia thực tập trong các dự án làm sản phẩm công nghệ hàng đầu như trợ lý ảo trên xe Vinfast hay giải mã hệ gien của Genestory.

Toàn bộ chương trình đào tạo này được Vingroup đài thọ, bao gồm cả lương bổng trong vòng một năm cho các sinh viên. Họ không chịu bất kỳ một ràng buộc nào, nhưng không ít người đã chọn ở lại làm việc cho Vingroup. Có thể đây cũng là một mô hình đáng suy nghĩ về việc kết hợp các doanh nghiệp với giáo dục đại học.

Chỉ trong vòng mấy năm, các hoạt động của Quỹ VINIF đã mang lại những tác động rất đáng kể trong đời sống khoa học ở Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà khoa học và quản lý giáo dục khẳng định. Từ những thành công này chúng ta có quyền hy vọng rằng, cùng với Vingroup, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tích cực công cuộc phát triển khoa học ở nước ta. Đó có lẽ cũng là con đường ngắn nhất để tạo ra những bước đột phá cho đất nước.