Cuộc rong chơi của những tài năng

Khi nhóm Ylvis tung ra video ca nhạc "Con cáo nói gì?", cả thế giới choáng váng. Khán giả không hiểu mình đang được xem thứ gì trên màn hình. Họ chỉ biết rằng sau đó giai điệu bỗng nhiên ám vào đầu từ lúc nào, và họ không thể ngừng hỏi: "Con cáo nói gì?".

Cuộc rong chơi của những tài năng

Một trò cười ngớ ngẩn

VideoCon cáo nói gì? là một trong những sản phẩm âm nhạc đặc biệt bậc nhất trong lịch sử. Các khán giả Âu - Mỹ gần như bị sốc. Những cuộc khảo sát, trong đó người ta cho khán giả ngẫu nhiên xem video để quan sát phản ứng, cho thấy những thanh niên trợn mắt nhìn màn hình, há hốc mồm, cười ngặt nghẽo. Họ hoàn toàn không hiểu thứ gì đang diễn ra.

Đó là một ca khúc được quay hoành tráng bởi một công ty sản xuất hàng đầu nước Mỹ, âm nhạc được viết cẩn thận như một bản nhạc điện tử thời thượng, diễn viên chuyên nghiệp, ca sĩ hát với thái độ rất nghiêm túc, giọng du dương. Nhưng nội dung thì "quái đản": cả bài hát đặt ra câu hỏi con cáo kêu như thế nào. Chó kêu gâu, mèo kêu meo, chim kêu chuýt, chuột kêu chít, thế con cáo kêu thế nào? Hoàn toàn không có ẩn dụ: nó là một câu hỏi thuần túy như một thắc mắc trẻ thơ.

Đó là những ca từ có phần ngớ ngẩn, được lồng vào một video quy mô với âm nhạc đỉnh cao và diễn xuất "nghiêm trọng". Một trò chọc cười - theo ý đồ của nhà sản xuất.

Nhưng rốt cục thì khán giả thế giới bỗng nhận ra rằng sau trò cười ấy, câu hát "Con cáo nói gì?" bỗng ám vào họ không thể cưỡng lại. Cho đến nay, đoạn video đã thu hút 450 triệu lượt xem trên trang mạng chia sẻ cliplớn nhất thế giới Youtube. Nó đã xuất hiện ngay cả trên sân khấu giải trí của Việt Nam (trong chương trình Gương mặt thân quen của VTV3). Và tác giả của bài hát, anh em nhà Ylvis, được mời lên những kênh truyền hình lớn nhất khắp thế giới để trò chuyện về "tuyệt phẩm" của họ.

Những sự vô nghĩa đỉnh cao

Ylvis là nghệ danh của một nhóm hài gia đình, gồm hai anh em, Vê-gác (Vegard) và Bác-đơ (Bard) In-vi-sa-kơ (Ylvisaker). Họ đến từ Na Uy, một quốc gia không quen thuộc với nền giải trí toàn cầu. Và như rất nhiều thanh niên khác của đất nước Bắc Âu êm đềm này, bạn sẽ thất vọng nếu muốn tìm ở họ một tuổi thơ gian khó hay một quá trình khổ luyện kiểu tiểu thuyết. Ylvis chỉ đơn giản là từ trên trời rơi xuống. Những thiên tài bẩm sinh.

Cuộc rong chơi của những tài năng ảnh 1

Khi cả thế giới đã biết đến Ylvis, thì người ta khám phá ra Vegard và Bard có một gia tài âm nhạc đáng nể. Những sự "quậy phá" đỉnh cao. Bằng chất giọng thanh thoát, âm nhạc cầu kỳ, video nghiêm túc, họ hát về những đề tài vô cùng... vớ vẩn. Thí dụ như nỗi băn khoăn làm thế nào để thắt nút dây thừng? Hoặc là bài Căn nhà gỗ, cả bài chỉ tả căn nhà gỗ một cách chi tiết, trên tường có treo tranh của bố, trong bếp có nồi niêu xoong chảo, ngoài vườn có nhà vệ sinh, hoặc không dùng nhà vệ sinh thì có thể đi tè bậy... Về cơ bản, có thể mô tả tiêu chí âm nhạc của Ylvis là càng vô nghĩa càng tốt, xem xong không cần hiểu vì vốn không có gì để hiểu.

Suốt chiều dài lịch sử âm nhạc, người ta đã quen với việc lời của các ca khúc luôn phải có một "ý nghĩa", một "thông điệp" nào đó. Nhưng dường như Ylvis hiện thân cho tinh thần của một trào lưu giải trí mới. Ở đó, trong xã hội hiện đại nơi con người thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải thông tin và chịu nhiều sức ép, khán giả chỉ cần tận cùng của sự nhảm nhí, nghe và hát những câu hoàn toàn không mang một thông điệp nào. Một giai điệu hấp dẫn, và một ca từ bất kỳ chỉ để hát thành giai điệu đó, thế là đủ. Đầu óc con người khi đó được giải phóng hoàn toàn.

Ylvis tô đậm và góp phần lý giải thêm hiện tượng "Gangnam Style" của nam ca sĩ PSY. Ca khúc đó đã cán mốc hai tỷ người xem trên Youtubevào tháng 6 năm nay. Nó khiến thế giới chao đảo, dù phần lớn không biết tiếng Hàn và không biết đến thông điệp mà PSY gửi gắm trong bài hát. Họ chỉ cần một câu "ộp-pà gangnam style, ộp ộp", rất dễ hát theo và hoàn toàn vô nghĩa. Và những tiếng cười sảng khoái.

Trên các mặt báo lớn và các kênh bình luận uy tín, rất dễ tìm thấy từ "thiên tài" để mô tả hai anh em nhà Ylvisaker. Họ đã tìm ra cách để đẩy sự vô nghĩa lên một tầm cao mới.

"Con cáo nói gì?"

Ylvis không chỉ dừng lại ở những ca khúc gây cười. Họ tổ chức những chương trình "điên rồ", ví như phim tài liệu "Thành ngôi sao ở Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan)". Hai anh em quyết định đến đất nước xa lạ nhất mà họ nghĩ ra, Kyrgyzstan, nơi không ai biết họ là ai, và bản thân họ một chữ tiếng Nga hay tiếng Kyrgyz cũng không biết. Ở đó, Ylvis đặt mục tiêu trở thành ngôi sao ca nhạc sau... 10 ngày. Trong hành trình đùa cợt này, họ cho người xem một góc nhìn thú vị về văn hóa, con người, và tất nhiên là ngành giải trí còn chưa phát triển ở đất nước nghèo này - để nói về sự đa dạng văn hóa cũng như "dạy" người xem phương Tây cách tôn trọng các hệ giá trị khác nhau. Điên rồ nhất là sau 10 ngày, Ylvis trở nên nổi tiếng ở Kyrgyzstan thật. Trong cuộc chơi đó, là những hành động điên khùng như việc hai anh em lôi nhau ra góc phố, sáng tác một bài hát theo âm hưởng dân gian Kyrgyzstan có ca từ bằng tiếng Nga (cả hai thứ họ mù tịt) chỉ trong vòng một buổi tối - để sáng sớm hôm sau biểu diễn trước khán giả bản địa. Vậy mà bài hát cũng được yêu thích.

Sự nghiệp của Ylvis, hai anh em đến từ Na Uy, như một cuộc rong chơi nhảm nhí qua làng giải trí. Ở đó, họ bắt tất cả cùng phải tự hỏi: "Con cáo nói gì?", để rồi sau đó phát hiện ra điều tuyệt vời nhất là con cáo nói gì cũng... không quan trọng.

Phải chăng, điều mà "con cáo" của nhóm nhạc tài năng này có thể nói lại chính là sự bế tắc về những giá trị tinh thần của thế giới loài người đang mất phương hướng hiện tại, khi người ta buộc phải truy cầu sự mới mẻ ở những điều nhảm nhí, và phát cuồng vì những trò đùa?