Cuộc giải cứu nhiều cảm xúc

Ngày 28/11 vừa qua, lực lượng chức năng Ấn Độ đã giải cứu thành công toàn bộ 41 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập đường hầm Silkyara, thuộc bang Uttarakhand của nước này. Cuộc giải cứu được xem là “kỳ tích” sau 17 ngày thử nghiệm các đội cứu hộ thực hiện nhiều phương pháp tiếp cận và đưa những công nhân này ra ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều phương án cứu hộ đã được triển khai trong những ngày qua tại đường hầm Silkyara. Ảnh: EPA
Nhiều phương án cứu hộ đã được triển khai trong những ngày qua tại đường hầm Silkyara. Ảnh: EPA

Theo AP, khoảng hơn 19 giờ ngày 28/11 (giờ địa phương), nạn nhân đầu tiên trong số hơn 40 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm Silkyara đã được các nhân viên của Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) đưa ra ngoài trong sự hò reo của các nhân chứng có mặt tại hiện trường. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục giải cứu lần lượt 40 người còn lại. Các nạn nhân được kiểm tra nhanh tình trạng sức khỏe ngay tại hiện trường cứu nạn. “Tất cả được xác nhận khỏe mạnh. Hầu hết họ tăng huyết áp do lo lắng và ở trong hầm quá lâu. Bước đầu họ được cho uống thuốc chống lo âu”, một trong những bác sĩ tiến hành kiểm tra tiết lộ. Sau khi được khám sơ bộ, toàn bộ công nhân được chuyển tới bệnh viện cách đó 30 km.

Ngay khi các nạn nhân an toàn thoát khỏi đường hầm Silkyara, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ, công cuộc giải cứu đã “khiến mọi người xúc động”. Trên mạng xã hội X, ông Modi chia sẻ: “Tôi muốn nói với các nạn nhân bị mắc kẹt trong đường hầm rằng, lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn của họ đang truyền cảm hứng cho mọi người. Tôi cũng ca ngợi tinh thần của tất cả những người liên quan hoạt động giải cứu này. Sự dũng cảm và quyết tâm của họ đã mang lại một cuộc sống mới cho những người anh em của chúng ta. Mọi người tham gia vào sứ mệnh này đều là tấm gương tuyệt vời về tính nhân văn và tinh thần đồng đội”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari cũng bày tỏ sự nhẹ nhõm và hạnh phúc khi toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm đã an toàn. Ông cũng nhấn mạnh, đây là nỗ lực phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Pushkar Dhami thông báo, mỗi công nhân trong vụ việc sẽ được hỗ trợ tài chính 100.000 rupee Ấn Độ (khoảng 1.200 USD). Ngoài ra, chính quyền bang sẽ chịu mọi chi phí điều trị, đồng thời yêu cầu cơ quan điều hành dự án đường hầm cho các công nhân nghỉ phép 15-20 ngày để giúp họ ổn định sức khỏe và tinh thần.

Theo AP, các công nhân gặp nạn trong khi đang thi công đường hầm Silkyara, thuộc dãy Himalaya, bang Uttarakhand hôm 12/11. Đường hầm Silkyara là một phần trong dự án đường cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Narendra Modi nhằm kết nối bốn địa điểm hành hương của người theo đạo Hindu thông qua hệ thống đường bộ dài 890 km. Khu vực đường hầm Silkyara này được cho là thường xảy ra động đất, sạt lở và lũ lụt.

Trong những ngày qua, giới chức Ấn Độ đã triển khai nhiều phương thức cứu nạn, kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ban đầu, lực lượng cứu hộ sử dụng máy xúc nhằm đào qua đống đổ nát để tiếp cận nạn nhân, song phương án này khiến các mảnh vỡ rơi xuống ngày càng nhiều. Sau đó, họ chuyển sang dùng máy khoan nhằm tạo ra một lỗ đủ rộng để đưa đường ống vào, giúp các công nhân bò ra ngoài an toàn. Dù vậy, phương án này phải dừng lại giữa chừng do tình trạng lở đất phức tạp và máy khoan không đủ mạnh. Lực lượng cứu hộ sau đó đã thiết lập một đường ống nhỏ khác nhằm đưa oxy, thuốc và thực phẩm đến các nạn nhân trong lúc tìm kiếm cách thức cứu hộ thích hợp khác.

Đến ngày 27/11, lực lượng cứu hộ quyết định áp dụng phương pháp “đào hang chuột”, huy động các thợ đào lão luyện để tạo lối mở tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt một cách thủ công. Sau khi đào thành công tới khu vực nơi các nạn nhân mắc kẹt, những người thợ này đã sử dụng đường ống có đường kính 800 mm được hàn lại với nhau và đẩy vào trong, dùng làm đường hầm thoát hiểm, giúp từng nạn nhân ra ngoài an toàn.

Cuộc giải cứu vừa qua là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất tại Ấn Độ thời gian gần đây. Dù cuộc giải cứu đã thành công, song vụ việc này cảnh báo về các công tác bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình thi công các công trình xây dựng tại Ấn Độ sau một số tai nạn đáng tiếc thời gian qua.