Theo AFP, Rana bị dẫn độ từ Mỹ tới sân bay quốc tế Indira Gandhi (IGIA) ở Thủ đô New Delhi ngày 10/4. Sự xuất hiện của Rana ở Ấn Độ khiến an ninh được siết chặt lên mức nghiêm ngặt, với hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang túc trực liên tục. Ngay khi kẻ khủng bố xuống máy bay, y được NIA áp giải bằng xe chống đạn đến trụ sở Cơ quan Điều tra quốc gia (NIA). "Rana sẽ bị NIA giam giữ trong 18 ngày, trong thời gian đó cơ quan này sẽ thẩm vấn chi tiết để làm sáng tỏ hoàn toàn âm mưu đằng sau các cuộc tấn công chết người năm 2008”, một thông báo cho biết.
Rana bị cáo buộc âm mưu tiến hành các vụ tấn công khủng bố tàn khốc ở Mumbai năm 2008, cùng David Coleman Headley và các phần tử thuộc các tổ chức khủng bố được chỉ định là Lashkar-e-Taiba (LeT), Harkat-ul-Jihadi Islami (HUJI) và những đồng phạm khác có căn cứ tại Pakistan. David Coleman Headley khai với cảnh sát rằng, Rana đã cung cấp hỗ trợ hậu cần và tài chính cho chiến dịch khủng bố. Headley đã nhận tội về vai trò của mình trong các cuộc tấn công và hiện thụ án 35 năm tù giam ở Mỹ vì các tội liên quan khủng bố ở Ấn Độ và Đan Mạch.
Các vụ tấn công ngày 26/11/2008 đã cướp đi sinh mạng của 166 người và làm bị thương hơn 300 người, trong cuộc bao vây kéo dài 60 giờ tại các địa điểm quan trọng ở Mumbai. Năm 2011, một tòa án Mỹ đã kết luận Rana không đóng vai trò trực tiếp trong việc lên kế hoạch các cuộc tấn công, song kẻ này vẫn bị kết án 14 năm tù vào năm 2013 với cáo buộc ủng hộ một nhóm chiến binh LeT. Tuy nhiên năm 2020, y được thả vì lý do sức khỏe nhưng bị bắt lại vào cuối năm đó sau yêu cầu dẫn độ của Ấn Độ.
Tháng 2 vừa qua, sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận dẫn độ Rana. Tòa án Tối cao Mỹ sau đó đã bác bỏ kháng cáo của Rana chống lại quyết định này. Việc dẫn độ diễn ra theo Hiệp ước dẫn độ Ấn Độ - Mỹ được ký kết giữa hai nước vào năm 1997. Rana đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc, bao gồm âm mưu tội phạm, tiến hành chiến tranh chống lại Ấn Độ, giết người, giả mạo và vi phạm Đạo luật Hoạt động bất hợp pháp.
Trong một tuyên bố, NIA nhấn mạnh đã dẫn độ "thành công" Rana sau nhiều năm "nỗ lực bền bỉ và đồng bộ". NIA khẳng định, việc dẫn độ cuối cùng đã được thực hiện sau khi sử dụng hết mọi biện pháp pháp lý. Với những nỗ lực phối hợp của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Ấn Độ, cùng các cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ, NIA đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo của Ấn Độ trong suốt quá trình dẫn độ.
Động thái trên đánh dấu cột mốc ngoại giao và pháp lý quan trọng trong những nỗ lực kéo dài của Ấn Độ nhằm đưa những kẻ chủ mưu của các vụ tấn công năm 2008 ra trước công lý. Việc dẫn độ thành công Rana cũng đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm đưa những cá nhân tham gia hoạt động khủng bố ra xét xử, bất kể đối tượng bỏ trốn đến nơi nào trên thế giới.
Về phía Mỹ, trong một cuộc họp báo tại Thủ đô Washington D.C, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce xác nhận, Mỹ và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ nhằm dẫn độ Tahawwur Hussain Rana, đưa y ra đối mặt với công lý vì “vai trò của ông ta trong việc lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp ở Mumbai năm 2008". "Một số người xem có thể không nhớ những điều này, nhưng đó là cuộc tấn công khủng bố đã gây sốc cho cả thế giới. Do đó, những kẻ chủ mưu cần phải chịu trách nhiệm", bà Bruce lên án.
Mỹ từ lâu đã ủng hộ những nỗ lực của Ấn Độ để bảo đảm những kẻ chủ mưu trong vụ tấn công 17 năm trước phải “đền tội”. Trong cuộc họp báo trên, bà Bruce cũng một lần nữa tái khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục hợp tác với Ấn Độ để chống lại hiểm họa toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố.