Theo The Brussels Times, từ cuối tháng 2, FJP đã tiến hành nhiều cuộc khám xét tại thủ đô của Bỉ. 5 trong số 8 nghi phạm bị bắt giữ đã bị đưa ra Tòa án sơ thẩm Brussels.
“Nạn nhân trong các vụ lừa đảo chủ yếu là những người già hơn 60 tuổi. Mức thiệt hại tài chính đối với các nạn nhân dao động từ vài nghìn đến hàng chục nghìn euro, có trường hợp bị lừa khoảng 100.000 euro”, FJP cho hay.
Cuộc điều tra đường dây lừa đảo nói trên được tiến hành khi một số tổ chức tài chính báo cáo phát hiện giao dịch thẻ ngân hàng của nạn nhân tại một hộp đêm ở Brussels. Vào tháng 1, trong quá trình điều tra, cảnh sát đã lần theo các đối tượng và bắt giữ được ba nghi phạm khi chúng đến nhà các nạn nhân để trực tiếp lấy thẻ ngân hàng. “Việc thu giữ điện thoại di động của chúng đã giúp cảnh sát hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của đường dây lừa đảo và xác định những nghi phạm khác”, đại diện cảnh sát Brussels khẳng định.
Theo đó, các nghi phạm tiếp cận nạn nhân qua ứng dụng Snapchat, sau đó gửi cho nạn nhân email hoặc tin nhắn SMS chứa liên kết giả mạo. Khi nhấp vào liên kết, nạn nhân sẽ bị chuyển hướng đến một trang web giả, yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng. Tiếp đến, những kẻ lừa đảo sẽ gọi điện cho nạn nhân, giả danh là nhân viên ngân hàng và yêu cầu họ giao thẻ ngân hàng để kiểm tra và khắc phục lỗi. “Những kẻ lừa đảo sau đó đóng giả làm nhân viên ngân hàng, đến tận nhà các nạn nhân để trực tiếp lấy thẻ ngân hàng của họ”, FJP cho biết.
Các đối tượng bị bắt khai đã nhận được lệnh qua Snapchat từ kẻ cầm đầu, hướng dẫn cách thu thập thẻ ngân hàng từ các nạn nhân. Những kẻ điều hành vụ lừa đảo tạo ra một mạng lưới gồm những người gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng để lừa nạn nhân và những người trực tiếp thu thập thẻ ngân hàng của nạn nhân. Những người này nhận được hoa hồng lên tới 20% cho các giao dịch gian lận.
Thẻ ngân hàng bị đánh cắp sau đó được sử dụng để rút tiền tại các máy ATM, mua thẻ PAYSAFE (thẻ trả trước thanh toán trực tuyến) tại các cửa hàng tiện lợi và trạm xăng. Không chỉ vậy, cảnh sát phát hiện thẻ của nạn nhân cũng được sử dụng để mua các mặt hàng xa xỉ, tiệc tùng tại các câu lạc bộ, thuê căn hộ qua Airbnb hoặc xe hơi… Những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thẻ cho đến khi hết hạn mức hoặc tài khoản bị rút sạch.
Theo AFP, thời gian qua, Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung ghi nhận lượng lớn vụ lừa đảo qua mạng. Hầu hết trong các vụ việc tội phạm thường giả làm người thân, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc cảnh sát và sử dụng nhiều thủ đoạn thao túng để lừa lấy tiền tiết kiệm của các nạn nhân. Trước vụ việc nói trên, tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cũng triển khai một chiến dịch quốc tế với sự tham gia của cảnh sát Đức, Albania, Bosnia và Herzegovina, Lebanon, đột kích 12 trung tâm gọi điện lừa đảo và bắt giữ 21 đối tượng, thu giữ tiền mặt và tài sản lên đến 1 triệu euro.
Trong vụ việc này, hơn 100 cảnh sát được giao nhiệm vụ nghe lén các cuộc gọi từ mạng lưới các trung tâm lừa đảo nói trên suốt 24 giờ/ngày và theo dõi hàng chục cuộc hội thoại cùng lúc. Nhờ đó, các nạn nhân được báo trước nguy cơ lừa đảo, giúp ngăn chặn thiệt hại 10 triệu euro trong khoảng 6.000 trường hợp.
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tăng cả về quy mô lẫn thủ đoạn tinh vi, cảnh sát châu Âu đang kêu gọi người dân cần cảnh giác hơn nữa và nâng cao nhận thức về cách thức hoạt động của những kẻ lừa đảo. “Một ngân hàng thật sự sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại và thu thập thẻ ngân hàng tại nhà của bạn”, đại diện FPJ nhấn mạnh. Cơ quan này cũng đề nghị những người trước đây từng là nạn nhân của loại gian lận này báo cáo với sở cảnh sát địa phương, trong khi những người nghĩ rằng, họ đang bị lừa đảo nên gọi ngay đến đường dây nóng được cung cấp, nhằm phối hợp với lực lượng chức năng loại bỏ loại tội phạm này.